Tập trung mọi nguồn lực giúp dân thoát nghèo
Đác Lắc hiện còn 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (từ 37% trở lên), trong đó có sáu xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 51 đến 73%. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo đề ra, UBND tỉnh Đác Lắc phấn đấu đến cuối năm 2015 không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%; tập trung cải thiện điều kiện sống của người nghèo; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, buôn theo tiêu chí nông thôn mới.
Nhân lên những cách làm hay
Chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Đác Lắc đã thu được kết quả khả quan với hơn 66 nghìn hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%. Diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã thay đổi rõ rệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản được hình thành. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm (2011 đến 2015), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (bình quân giảm 3% mỗi năm), theo đó UBND tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác giảm nghèo, tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo, xã nghèo; tạo cơ hội về phát triển sản xuất để thoát nghèo; hỗ trợ sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề tạo việc làm, khuyến nông, khuyến lâm; phát triển đa dạng các hoạt động dịch vụ đến tận thôn, buôn… Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Đác Lắc đã lồng ghép tốt hơn các nguồn vốn giữa Trung ương với địa phương; giữa ngân sách với huy động sức dân để thực hiện có hiệu quả hơn chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, coi đây là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững…
Tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo (gọi là chương trình) bền vững giai đoạn 2011 đến 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BanChỉ đạo Chương trình của tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm cho biết: Chương trình đã đạt được những kết quả thiết thực như: giải quyết cho 143.046 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền hơn 1.950 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến 2013, tổng kinh phí bố trí cho Chương trình đạt hơn 2.911 tỷ đồng…
Gia đình anh Hứa Văn Sén và chị Linh Thị May, người dân tộc Nùng, ở thôn Ea Boa, xã Ea Trang, huyện Ma Đ'rắc là một trong những hộ gia đình thuần nông đã vươn lên thoát nghèo nhờ được vay vốn xóa đói, giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện. Năm 1998, cuộc sống ở quê hương gặp nhiều khó khăn, anh chị chuyển từ Lạng Sơn vào xã Ea Trang để lập nghiệp. Xét thấy gia đình anh Hứa Văn Sén có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, Hội Nông dân xã Ea Trang đã giúp đỡ gia đình anh chị vay vốn, xóa đói, giảm nghèo với số tiền 35 triệu đồng. Từ số vốn này, anh chị đã đầu tư mua thêm dụng cụ sản xuất, xây dựng chuồng trại để nuôi lợn giống và lợn thịt, mua một cặp trâu gây giống. Từ sự hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình anh Sén đã có một ha ruộng; 1,2 ha rẫy trồng sắn và trồng keo; đàn trâu đã tăng lên chín con, trong đó đã bán được sáu con, mỗi con thu được 20 triệu đồng. Tổng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh đạt 60 đến 70 triệu đồng mỗi năm, chất lượng cuộc sống gia đình được cải thiện.
Ở tổ dân phố 10, phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) nhiều người biết gia đình anh Trần Hiếu Tuấn và chị Văn Thị Tuyết bởi đông con và… nghèo. Anh Tuấn từng là chiến sĩ Biên phòng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về địa phương lập gia đình. Ruộng vườn không có, hằng ngày anh chị phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Ban Chỉ huy Quân sự thị xã tư vấn cho vợ chồng anh Tuấn đầu tư nuôi lợn thịt tại nhà. Chiến sĩ hậu cần của đơn vị tận tình hướng dẫn anh chọn vị trí xây chuồng trại, cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho lợn. Khi anh Tuấn có kiến thức cơ bản về chăn nuôi, từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã trích cho anh vay 10 triệu đồng trong vòng một năm, không tính lãi để anh mua 10 con lợn giống. Nhờ chăm sóc đúng cách nên đàn lợn nhà anh Tuấn phát triển tốt. Sau năm tháng, anh Tuấn xuất bán lứa lợn đầu tiên được hơn 20 triệu đồng. Hiện trong chuồng nhà anh có 28 con lợn thịt, mỗi con hơn 70 kg.
Ở huyện Cư Kuin, các cán bộ lãnh đạo có phương pháp làm hiệu quả để các địa phương khác tham khảo. Phó Chủ tịch UBND huyện H'Bliăk Niê đã đến từng thôn, buôn, gặp các hộ nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, phân tích nguyên nhân nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm vận động chung tay cùng với địa phương đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Việc bình xét và hỗ trợ hộ nghèo được công khai, minh bạch. Đồng chí H'Bliăk Niê cho hay, điều quan trọng là phải đánh thức ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của mỗi người. Huyện chủ động tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, tổ chức đối thoại riêng ở từng thôn, cụm dân cư để hộ giàu, hộ nghèo chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích người nghèo chủ động, vươn lên. Với những cách làm kể trên, tỷ lệ hộ nghèo của Cư Kuin đã giảm nhanh trong những năm gần đây. Đến cuối năm 2012 số hộ nghèo giảm 13,5%, năm 2013 giảm xuống còn 10,5%, nhất là tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 66,14% xuống còn 30,47%.
Huy động mọi nguồn lực
Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo ở Đác Lắc là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ phía người dân. Ngoài kênh hỗ trợ của Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã phát động nhiều chương trình ý nghĩa cùng chung tay giảm nghèo; nhiều phong trào xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, “Tháng cao điểm vì người nghèo” được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của người dân. Dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đác Lắc Nguyễn Văn Đàn: Kết quả thực hiện giảm nghèo năm 2013 chưa đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh chỉ giảm 2,41% (từ 14,67% xuống còn 12,26%), trong khi kế hoạch là giảm 3%; tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng từ 6,99% lên 7,83%. Có nhiều nguyên nhân, song đáng chú ý là nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn lồng ghép. Nguồn thu ngân sách của tỉnh và các địa phương đạt thấp, cho nên nguồn vốn địa phương dành cho công tác giảm nghèo còn ít. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng khó giảm vì phần lớn đều là những hộ có người bị tàn tật, người già neo đơn, hộ thiếu lao động, thiếu phương tiện sản xuất…
Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo và chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách về giảm nghèo và các chính sách khác có liên quan. Trên thực tế, tuy các chính sách giảm nghèo được ban hành rất nhiều nhưng còn dàn trải, nên “chưa tới” chưa đủ để thoát nghèo. Qua thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo ở Đác Lắc, đã bộc lộ những bất hợp lý như: đối tượng hỗ trợ mang tính dàn trải và cào bằng giữa các địa bàn; mức hỗ trợ thấp, phần lớn mang tính hỗ trợ về an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo và các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn ít. Do vậy, để các chính sách, dự án giảm nghèo thật sự hiệu quả thì cần ba yếu tố: nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội và công tác chỉ đạo thực hiện, phải tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực hơn vào một số chính sách, dự án giảm nghèo, khuyến khích người nghèo bày tỏ tiếng nói, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo, tham gia vào quá trình lập kế hoạch và giám sát thực hiện.
Đồng chí Mai Hoan Niê Kdăm nhấn mạnh, trong thời gian tới, Đác Lắc cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành về lĩnh vực giảm nghèo; tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình ở các cấp; thực hiện lồng ghép chặt chẽ và có hiệu quả Chương trình giảm nghèo với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác có liên quan trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phát huy tính tự lực và huy động mọi nguồn lực để thoát nghèo.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()