Tập trung mạnh cho công tác phòng chống sốt xuất huyết
Chỉ trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 700 ca mắc sốt xuất huyết, một trường hợp tử vong tại Cà Mau. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 14.000 ca bệnh, 3 trường hợp tử vong (Bình Phước, Bình Dương, Cà Mau).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số mắc có xu hướng giảm trong các tuần gần đây và so với cùng kỳ năm ngoái, số mắc cả nước giảm 44%.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, bệnh có thể diễn biến phức tạp trong năm nay và có nguy cơ gia tăng do bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận gần 190.000 ca mắc, 32 người tử vong. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây…; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Loại muỗi này không trứng đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính… nên đi khám sớm vì bệnh có thể diễn biến nặng.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng người bệnh cần lưu ý như li bì, tăng nôn, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau, tiểu ít hơn, chảy máu chân răng, máu cam…
Theo baochinhphu
Ý kiến ()