Tập trung kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước
Để phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, một trong những nội dung sẽ được Kiểm toán nhà nước tập trung là kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước.
Để phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, một trong những nội dung sẽ được Kiểm toán nhà nước tập trung là kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước.
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tham dự |
Đây là thông tin được TS. Nguyễn Hữu Vạn – Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết tại Hội thảo “Tổ chức kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phối hợp với Hội Kế toán công chứng Anh quốc tổ chức ngày 3/12, tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đúc kết các vấn đề thực tiễn trong việc thực hiện các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Hữu Vạn – Tổng KTNN, trong những năm qua nền kinh tế Việt Nam đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất kể từ năm 1991, trong đó có những yếu tố khách quan từ bên ngoài và những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế dẫn đến tình trạng cao, bội chi ngân sách và nợ công tăng lên nhanh chóng, hiệu quả đầu tư công giảm sút. Thực trạng trên đòi hỏi nền kinh tế cần phải đổi mới, cải cách toàn diện và điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó nhấn mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cơ cấu đầu tư trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu khu vực tài chính, tiền tệ trong đó tập trung vào tái cơ cấu ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào tái cơ cấu tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty nhà nước.
Ông Nguyễn Hữu Vạn cho hay, KTNN với chức năng, nhiệm vụ của mình, song song với việc kiểm toán đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thì sẽ tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đối với 03 lĩnh vực trọng điểm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Hữu Vạn, để phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong năm 2014 và những năm tiếp theo KTNN sẽ tập trung: kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản… trong đó chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đặc biệt là kiểm toán việc tái cơ cấu các đơn vị gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tập trung kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước; kiểm toán tổ chức tài chính Nhà nước để đánh giá tình hình tài chính, quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh… để có những kiến nghị cụ thể với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã tập trung thảo luận và trao đổi, đánh giá thực trạng việc thực hiện Đề án tái cơ cấu của Chính phủ; đánh giá thực trạng công tác tổ chức kiểm toán đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế; đề xuất các giải pháp để đổi mới quy trình, phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng tổ chức kiểm toán đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các Đề án tái cơ cấu do KTNN thực hiện.
Đề cập đến một số nội dung trọng tâm trong kiểm toán kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu, ông Lê Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp có các mục tiêu, nội dung khác nhau tùy theo đặc điểm sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp, tuy nhiên về nguyên tắc, các Đề án phải bám sát nội dung Đề án tái cơ cấu tổng thể. Do vậy, việc tổ chức kiểm toán cần tập trung vào các nội dung theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành kiểm toán nhằm xác định công việc triển khai là phù hợp với Đề án tái cơ cấu và quy định của pháp luật trong lĩnh vực liên quan. Cụ thể, đối với việc tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp, ông Hải cho rằng cần làm rõ việc xác định ngành nghề kinh doanh chính, việc phân loại các doanh nghiệp nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp thành viên có phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính hay không? Trình tự, thủ tục thực hiện tổ chức, sắp xếp lại, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, cổ phần hóa?
Đối với tái cơ cấu kinh tế về tài chính, ông Hải cho rằng cần làm rõ việc chấp hành các quy định trong quản lý sử dụng vốn và tài sản, kể cả việc điều chuyển vốn, tài sản của các Tập đoàn, Tổng công ty; việc chấp hành các quy định về tài chính trong quá trình cơ cấu lại các dự án đầu tư của doanh nghiệp…
Quan tâm tới tình hình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh đánh giá các ngân hàng thương mại đã có những cố gắng đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ông cho rằng, những thay đổi trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng có tác động khá lớn đến công tác kiểm toán. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đang xử lý nợ xấu và bán nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để nhận lại Trái phiếu đặc biệt như một loại Tài sản Tài chính, phải trích lập dự phòng rủi ro, điều này cũng tạo ra những thay đổi khá lớn về kế toán và đánh giá kết quả tài chính của các ngân hàng thương mại.
Do vậy, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, KTNN cần phải từng bước cập nhật các quy định mới có liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm toán.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()