Tập trung “khơi thông” dòng vốn cho hội viên
LSO-Khó khăn về vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp đã kéo dài từ cuối năm 2012, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải thu nhỏ quy mô, tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của tỉnh, cùng với nỗ lực của Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp hội viên đến nay, những khó khăn về vốn đã dần được tháo gỡ.
Sản xuất ván gỗ ép tại Công ty Cổ phần Thịnh Lộc Shinec |
Ông Lại Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong giai đoạn nửa cuối năm 2012 đến nửa đầu năm 2013, hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng “khát vốn” trầm trọng, Ban Chấp hành Hiệp hội thường xuyên nhận được những kiến nghị và yêu cầu của các hội viên đề nghị hỗ trợ về vốn sản xuất. Đến nay, tình trạng đó đã không còn, hầu hết các doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu ổn định sản xuất kinh doanh.
Để có được kết quả như trên, Ban Chấp hành Hiệp hội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một mặt đề nghị sự can thiệp và hỗ trợ trực tiếp của UBND tỉnh đến việc giải quyết những vướng mắc trong mối quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Mặt khác, chủ động gặp gỡ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn để tìm hiểu nguyên nhân vì sao doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Từ đó, xây dựng phương án cụ thể để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là Hiệp hội đã tổ chức nhiều chương trình đối thoại, tọa đàm và đào tạo, giúp các doanh nghiệp hội viên nâng cao trình độ trong tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chuyên nghiệp và bài bản. Đồng thời, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại tài sản một cách hợp pháp và rõ ràng về giá trị. Tổ chức những buổi tọa đàm để các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cùng ngồi lại với nhau, đưa ra những vấn đề hai bên còn vướng mắc để cùng giải quyết. Những hoạt động trên đã góp phần tích cực trong quá trình vượt khó, nhất là vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.
Ông Lê Minh Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thịnh Lộc Shinec, hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: doanh nghiệp hoạt động trong việc sản xuất kinh doanh ván gỗ ép xuất khẩu. Để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu gỗ đầu vào phục vụ sản xuất, công ty đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực trồng rừng. Hiện nay, công ty đang quản lý hàng nghìn ha rừng ở trên địa bàn hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Với tích chất đặc thù, trồng rừng cần sự đầu tư dài hơi, thời gian thu hồi vốn chậm bởi phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng đến độ tuổi cho thu hoạch của cây rừng. Do vậy công ty cần nguồn vốn vay dài hạn khá lớn. Trong hai năm 2012 và 2013, công ty thực sự gặp khó khăn về vốn. “Vác” hồ sơ đến ngân hàng nào cũng bị từ chối với nhiều lý do. Nhưng vừa qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, của Ban Chấp hành Hiệp hội, Công ty đã cơ bản giải quyết được khó khăn, đã tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Chỉ riêng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Lạng Sơn đã cho vay gần 20 tỷ đồng. Hiện nay, công ty mong muốn được các ngân hàng chuyển các khoản vay từ ngắn hạn sang dài hạn để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đầu tư trồng rừng.
Trường hợp của Công ty Thịnh Lộc chỉ là tiêu biểu trong số hơn 800 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Điều này cho thấy sự khát vốn của các doanh nghiệp đã không còn, nhưng để hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững lâu dài, khối doanh nghiệp của tỉnh cần phải tiếp tục đổi mới trong thời gian tới. Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết: tháo gỡ được khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong thời gian qua là rất quan trọng, tuy nhiên đó mới chỉ là việc tức thời. Tới đây điều quan trọng là tiếp tục nâng cao năng lực một cách toàn diện cho các nhà quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ và hướng dẫn pháp lý cho doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng được chiến lược kinh doanh bài bản, khoa học và hợp pháp. Khi thực hiện được điều đó, vấn đề huy động vốn đầu tư sẽ trở nên dễ dàng hơn.
ANH DŨNG
Ý kiến ()