Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
- Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh bị gẫy, đổ, ngập úng... Để khắc phục thiệt hại, ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố đang tập trung hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục lại sản xuất.
Cùng với việc vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa sau lũ, các cấp, ngành chức năng đã và đang hướng dẫn bà con tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ...
Thiệt hại nặng nề
Từ ngày 6/9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng.
Bà Vy Thị Thanh, thôn Nà Háo, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc buồn rầu: Sau cơn bão số 3, toàn bộ 4 sào lúa, 3 sào ngô và 4.000 cây bạch đàn của gia đình đều bị ngập, đổ, gãy. Cây bạch đàn còn non có thể khắc phục được bằng cách kéo, dựng, nhưng lúa và ngô bị ngập lâu, nguy cơ vụ này gia đình tôi mất trắng.
Tương tự hộ bà Thanh, gia đình ông Liễu Minh Nghĩa, thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan cũng bị ảnh hưởng nặng. Ông Nghĩa cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 8 ha keo, trong đó, có một phần diện tích trồng từ năm 2019 và một phần mới trồng tháng 5/2024. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, có hơn 2 ha cây keo bị gãy, đổ, ước tính thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.
Không chỉ 2 gia đình kể trên, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 8.172 ha nông nghiệp, 18.445 ha cây lâm nghiệp bị ngập úng, gãy, đổ. Cùng đó, 21 lồng cá, 21 ao cá với diện tích 17,788 ha ao nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại 11,35 tấn cá; 22 chuồng nuôi bị tốc mái và hỏng, ngập úng, cuốn trôi trên 1.400 con gia cầm, gia súc.
Về các công trình thuỷ lợi, theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 88 công trình, hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng với mức độ khác nhau như: sạt lở mái taluy gây bồi lấp, sạt lở mương; sụt lún mái thượng hạ lưu đập; tốc mái, đổ tường nhà trạm bơm, nhà quản lý, ngập tủ điện do nước lũ lên nhanh...
Nỗ lực khắc phục
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để khắc phục thiệt hại, sở đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa bão tại các huyện, thành phố; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3 đối với sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.
Chi Lăng là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng do cơn bão số 3. Cụ thể, ước tính đến ngày 13/9, toàn huyện có trên 850 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập úng; gần 100 ha cây ăn quả và khoảng 600 ha cây lâm nghiệp đổ, gãy ước tính thiệt khại khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tiếp tục thống kê thiệt hại một cách chính xác để hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp, các đơn vị chức năng đã có biện pháp khắc phục bước đầu đối với hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Đến nay, đối với những ảnh hưởng nhỏ như sạt lở mương, các đơn vị liên quan đã múc đất, khơi thông dòng chảy đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, có nguy cơ mất an toàn cao như: hồ chứa Khẩu Cắm (huyện Cao Lộc) hồ chứa Kéo Páng (huyện Văn Lãng), các đơn vị phụ trách đã báo cáo cấp trên để có phương án nâng cấp, sửa chữa kịp thời.
Đối với chăn nuôi, các đơn vị chức năng cũng đã thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn. Ông Nông Khắc Tạo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Đơn vị đã phân công cán bộ thú y kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn người dân thu gom, xử lý xác động vật chết theo quy định; vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, dụng cụ chứa nước, quét dọn chuồng trại để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường... Hiện nay, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng vẫn đang được đơn vị đẩy mạnh thực hiện.
Nhờ việc triển khai các giải pháp trên, đến nay, hầu hết các diện tích hoa màu, cây lâm nghiệp bị đổ gãy đã được người dân khắc phục bước đầu; sản xuất cơ bản ổn định trở lại. Đối với chăn nuôi, người dân đã chủ động gom xác động vật chết, xử lý theo quy định; các đơn vị chuyên môn đã cấp phát trên 5.000 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để phun tiêu độc khử trùng các vùng chăn nuôi nhằm tiêu diệt các mầm bệnh, ổn định chăn nuôi trở lại.
Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Cơn bão số 3 đi qua đã gây thiệt hại cho HTX. Cụ thể, 2 lồng cá bị thủng trôi mất khoảng 1,3 tấn cá, một số lồng khác bị tụt mối hàn, rách lưới... Ngay sau khi bão tan, các thành viên HTX đã cùng nhau vớt rác, vệ sinh lồng nuôi, gia cố lại các mối hàn bị tụt, buộc lại lưới. Đồng thời, bổ sung vitamin tăng sức đề kháng cho đàn cá. Hiện tại, tất cả các lồng cá đã được HTX gia cố, đảm bảo phục vụ chăn nuôi thủy sản.
Thời gian tới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất nông nghiệp. Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của người dân, sản xuất nông nghiệp sẽ sớm được phục hồi, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về một số biện pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp: Đối với cây lúa đang giai đoạn làm đòng - trỗ bông, người dân buộc dựng lúa nếu bị đổ rạp, dùng dây buộc túm 3 - 5 khóm với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng theo chiều nghiêng của cây, không dựng ngược về phía sau, tránh hiện tượng gãy gốc. Sau khi trời tạnh ráo, tiến hành phun bổ sung phân bón lá để cây lúa nhanh chóng phục hồi... Với diện tích rau màu bị ngập thời gian ngắn và cây còn nhỏ có khả năng phục hồi cần xới nhẹ mặt luống rau nhằm cung cấp ô xy cho bộ rễ, kết hợp phun bổ sung chế phẩm KH, siêu lân... giúp cây nhanh phục hồi. Đối với cây ăn quả, người dân vệ sinh vườn cây sau bão, với những cây bị gãy cành thì cắt cành gãy, dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc chống nấm gốc đồng quét vào vết cắt; cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại; với những cây bị trốc gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần chặt hạ và có kế hoạch thay thế bằng cây giống chất lượng để trồng mới... Đối với vật nuôi, người dân tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi... |
Ý kiến ()