Tập trung khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh du lịch văn hoá
- Lạng Sơn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch tỉnh có thể khai thác và phát triển du lịch một cách bền vững.
Lạng Sơn, mảnh đất địa đầu Tổ quốc, từ lâu đã được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Toàn tỉnh sở hữu hệ thống hơn 330 di tích, danh thắng nổi tiếng như: thành nhà Mạc, đền Mẫu Đồng Đăng, khu di tích lịch sử Chi Lăng, núi Mẫu Sơn, động Tam Thanh - Nhị Thanh, núi Tô Thị...
Tiềm năng du lịch Lạng Sơn không chỉ dừng lại ở những di tích và danh lam thắng cảnh mà còn ở nét đẹp văn hóa độc đáo của 7 dân tộc chính trên địa bàn. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú với những phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực độc đáo riêng biệt. Hiện cả tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
“Sức hút” từ nét văn hoá đặc trưng
Trong những năm gần đây, để thu hút khách du lịch, các cấp đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch tại thành phố Lạng Sơn, trong đó quan tâm tôn tạo các di tích tâm linh nổi tiếng như: chùa Tiên, đền Kỳ Cùng, đền Cửa Bắc, đền Cửa Tây, đền cô bé Thượng Ngàn, chùa Tam Thanh...; bố trí các màn hình Led cỡ lớn tại các chợ trung tâm để quảng bá hình hảnh đến với du khách.
Các cơ quan, đơn vị ở thành phố còn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như tổ chức các lễ hội truyền thống; tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân mặc trang phục dân tộc truyền thống trong các lễ hội, sự kiện văn hóa..., góp phần thu hút khách du lịch tới thành phố Lạng Sơn, nhất là vào dịp đầu xuân. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã đón gần 2,2 triệu lượt khách, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự như tại thành phố Lạng Sơn, huyện Bắc Sơn hiện nay rất chú trọng khai thác các giá trị văn hoá vào phát triển du lịch. Tiêu biểu như điểm du lịch làng ngói âm dương, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, từ đầu tháng 7/2024 đến nay, hầu như tuần nào làng ngói cũng đón từ 50 đến 100 khách du lịch, trong đó có nhiều du khách đến từ các quốc gia khác nhau như: Singapore, Malaysia, Australia...
Ông Paul, du khách đến từ Australia chia sẻ: Khi đến làng ngói âm dương, tôi được những người thợ lành nghề tận tình hướng dẫn cách nhào đất, tạo hình, nung ngói. Sau khi thăm làng ngói, tôi còn được tham gia trải nghiệm làm bánh và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày Bắc Sơn ở các nhà sàn cổ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Người dân ở đây hoà đồng và gần gũi. Tôi rất thích và sẽ kể cho bạn bè, người thân về chuyến đi này.
Làng ngói âm dương chỉ là một trong rất nhiều điểm du lịch văn hoá được huyện Bắc Sơn đầu tư, phát triển thời gian qua. Nhờ tập trung khai thác các tiềm năng văn hoá đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách tới Bắc Sơn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Bắc Sơn đã đón gần 160.000 lượt du khách, trong đó có trên 300 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 87,6 tỷ đồng.
Không chỉ có 2 đơn vị trên, thời gian qua, các huyện trên địa bàn tỉnh cũng tích cực khai thác tiềm năng văn hoá để phát triển du lịch. Tiêu biểu huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh: đền Chầu Năm - Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - đền Quỷ Môn - đền Chầu Bát - miếu Cô Chín - đền Chầu Mười gắn với các địa điểm trải nghiệm sản phẩm du lịch nông thôn.
Huyện Tràng Định tích cực bảo tồn, phát huy và xây dựng sản phẩm du lịch cộng Đồng người Dao Đỏ (xã Tri Phương), người Mông Đen (xã Cao Minh). Huyện Bình Gia tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng người Tày - Nùng gắn kết với di tích khảo cổ Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai. Huyện Hữu Lũng tích cực đầu tư xây dựng các di tích tín ngưỡng như đền Bắc Lệ, đền Quan Giám Sát… gắn kết với việc thành lập các câu lạc bộ văn hoá dân gian phục vụ tại các làng du lịch cộng đồng tại Hữu Liên, Yên Thịnh.
Thông qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước tới Lạng Sơn. Năm 2023, toàn tỉnh đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với năm 2022. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Lạng Sơn đón trên 2,9 triệu lượt du khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2023.
Đa dạng hoá sản phẩm du lịch
Để có được những kết quả trên, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Xác định văn hoá là điểm nhấn trọng tâm trong phát triển sản phẩm du lịch tại các điểm đến, thời gian qua, ngành đã tập trung đẩy mạnh đầu tư bảo tồn, tôn tạo nâng cao chất lượng các di tích lịch sử văn hoá các cấp; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại các làng nghề văn hoá truyền thống; xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại biểu diễn trên đường phố... đưa một số điểm du lịch tâm linh, về nguồn vào các tour, tuyến trải nghiệm, khám phá; đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Trong giai đoạn 2003 - 2023, đã có trên 250 lượt di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Sở VHTT&DL cũng đã trang bị bảng quét mã QR tại 30 điểm di tích nổi tiếng và các điểm du lịch. Một điểm nổi bật trong việc phát triển sản phẩm du lịch văn hoá trên địa bàn tỉnh đó là từ năm 2021 đến nay, Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành các tuyến, điểm du lịch văn hoá mới. Hiện đã có 38 điểm đến trong 4 tuyến du lịch vùng công viên địa chất, trong đó 60% điểm đến là các điểm di sản, di tích, làng nghề văn hoá truyền thống.
Song song với đó, ngành du lịch cũng đẩy mạnh phát triển 5 làng du lịch cộng đồng tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Liên, Yên Thịnh. Tại các làng du lịch cộng đồng, người dân được khuyến khích phục dựng, bảo tồn các di sản mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như hát then, đàn tính, múa sư tử mèo… Đồng thời người dân thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.
Anh Nguyễn Đình Lâm, chủ Homestay Sơn Thủy, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng chia sẻ: “Được tuyên truyền, học tập kinh nghiệm làm du lịch và kiến thức ngoại ngữ nên tôi thấy rất thiết thực. Riêng gia đình tôi từ năm 2022 đến nay đã đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà nghỉ du lịch cộng đồng đạt chuẩn, trong đó chú trọng phát huy nét đẹp của nhà sàn truyền thống, bên cạnh đó, chúng tôi đã đưa các món ăn đặc sản của địa phương như: bánh chưng cẩm, bánh giò bầu, xôi cẩm… vào phục vụ nhu cầu của du khách.
Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh cũng chú trọng tới công tác bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể. Nổi bật, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, các cấp ngành liên quan mở từ 5 đến 10 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở, đặc biệt là tại các điểm du lịch cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 đội, câu lạc bộ văn hóa truyền thống với hơn 2.000 hội viên sinh hoạt. Các hội viên này đã trở thành những hạt nhân nòng cốt phát huy tốt giá trị các làn điệu dân ca địa phương, để phục vụ du khách.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, hàng loạt sự kiện văn hoá du lịch, lễ hội lớn đã được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh như: Tuần Văn hóa - Du lịch, Lễ hội Hoa Đào, Hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, hội Háng Pỉnh (Hội Bánh nướng) tại thành phố Lạng Sơn; Lễ hội Na Chi Lăng; Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Chi Lăng; Ngày hội văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn; Lễ hội mùa vàng Bắc Sơn… Công tác bảo tồn di sản văn hoá dân tộc được quan tâm đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt, thu hút du khách khi đến Xứ Lạng.
Bà Hoàng Thuỳ Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan gắn hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá với phát triển du lịch. Theo đó, 7 lễ hội trên địa bàn thành phố hằng năm đều được phục dựng các nghi lễ truyền thống và gắn với hoạt động trưng bày các gian hàng đặc sản, ẩm thực địa phương với đa dạng các trò chơi dân gian, các hoạt động. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã tổ chức 80 gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công, ẩm thực truyền thống tại Phố đi bộ Kỳ Lừa; tạo không gian để người dân trình diễn các nét đẹp di sản văn hoá từ múa sư tử mèo đến trình diễn dân ca…
Những giá trị văn hóa truyền thống bản địa đang là tài nguyên phong phú được các cấp, ngành, Nhân dân trong tỉnh Lạng Sơn khai thác, góp phần thúc đẩy du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa: “Du lịch văn hóa bao gồm hoạt động của những người với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, khám phá về văn hóa như các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn, về các lễ hội và các sự kiện văn hóa khác nhau, tham quan các di tích và đền đài, du lịch nghiên cứu thiên nhiên, văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành hương".
|
Ý kiến ()