Tập trung khai thác dịch vụ “bán lẻ”
LSO-Khai thác các loại hình dịch vụ “bán lẻ” đã được hệ thống ngân hàng thương mại tại các nước phát triển tận dụng từ nhiều năm trước. Đến thời gian gần đây, dịch vụ này mới được các ngân hàng thương mại tại nước ta bắt đầu áp dụng. Và trên địa bàn Lạng Sơn các ngân hàng cũng đang tăng cường mở rộng dịch vụ này.
Khách hàng giao dịch bằng thẻ tín dụng nội địa của Ngân hàng TMCP Công thương Lạng Sơn |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 ngân hàng thương mại đang hoạt động. Mặc dù các ngân hàng có phương thức hoạt động khác nhau nhưng ngân hàng nào cũng đang chú trọng đến các dịch vụ “bán lẻ”. Bán lẻ theo đúng nghĩa thực là gói sản phẩm sử dụng được trao tận tay đến những khách hàng cá nhân. Khi thực hiện hình thức bán lẻ, thường thì gói sản phẩm không lớn, nhỏ lẻ nhưng lợi nhuận được cộng dồn khá cao và ít rủi ro. Những năm trước đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ yếu kinh doanh bằng hình thức “bán buôn”, tức là thường ưu tiên thực hiện những khoản đầu tư lớn, số lượng tiền giao dịch cao, việc này tuy nhìn thấy lợi nhuận cao nhưng cũng đồng nghĩa với rủi ro nhiều. Gần đây, nhiều ngân hàng đã thành lập phòng chức năng mới, gọi là phòng “bán lẻ” nhằm khai thác triệt để các hình thức dịch vụ này.
Để thực hiện hiệu quả hình thức bán lẻ, hiện tại các ngân hàng thương mại chú trọng việc mở rộng mạng lưới, nhằm tiếp cận thị phần bán lẻ, tăng cường tiếp cận khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tính tiện lợi về dịch vụ tài khoản cho khách hàng, các ngân hàng đã đảm bảo lợi ích tối đa cho chủ tài khoản thanh toán thông qua việc thiết kế dành riêng cho khách hàng có số dư tài khoản thanh toán thường xuyên lớn và mong muốn được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất gửi không kỳ hạn. Hoặc cung cấp dịch vụ thấu chi trên tài khoản, với hạn mức thấu chi dựa trên thu nhập ổn định hàng tháng, mức tiền lương, tài sản đảm bảo khác. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều cung cấp dịch vụ thẻ cá nhân, chủ yếu là ATM nội địa, một số ngân hàng còn tích cực phát hành thẻ tín dụng quốc tế: Visa, Master, Amex…
Ông Lê Anh Dũng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Bán lẻ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Trong hai năm gần đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Lạng Sơn đã chú trọng đến việc phát triển dịch vụ bán lẻ nhằm mở rộng thị trường và tăng mối quan hệ tín dụng đối với đa thành phần khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh. Để triển khai hiệu quả, ngân hàng đã liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, mở mới thêm các phòng giao dịch. Năm 2012, ngân hàng đã mở phòng Giao dịch loại I Kỳ Lừa tại đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn và năm 2013 mở phòng giao dịch Đồng Mỏ tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Hiện nay, ngân hàng đang phát hành đủ các loại thẻ ATM quốc tế và nội địa, gần đây nhất là phát hành thẻ tín dụng nội địa với lãi suất 13%/năm cho các khách hàng cá nhân có khoản thu nhập chuyển thường xuyên qua ngân hàng. Tuy loại hình thẻ mới nhưng đến nay hệ thống ngân hàng Công thương đã mở gần 10.000 thẻ cho khách hàng.
Nhằm khai thác hình thức này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Lạng Sơn cũng đang thực hiện đa loại hình dịch vụ. Chị Triệu Quỳnh Nga, cán bộ Phòng Bán lẻ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Lạng Sơn cho biết: vừa qua, ngân hàng đã đa dạng hóa và đơn giản hóa hơn nữa thủ tục vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân. Khách hàng có thể vay lương, mở thẻ thấu chi hoặc các loại thẻ Visa… Trước đây, đối với hình thức vay lương, khách hàng chỉ được hạn mức vay tối đa là tổng 10 tháng lương, nhưng hiện nay hạn mức được nâng lên tối đa là 15 tháng lương. Đối với hình thức mở thẻ thấu chi, khách hàng sẽ được hạn mức tổng 7 tháng lương thay vì 5 tháng như trước…
Về phía quản lý nhà nước, ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Trong nền kinh tế mở như hiện nay, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng ngày càng cao, nhất là các loại hình dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Mục tiêu của dịch vụ bán lẻ là khách hàng cá nhân, nên các dịch vụ thường đơn giản, dễ thực hiện và thường xuyên, tập trung vào dịch vụ tiền gửi và tài khoản, vay vốn, mở thẻ tín dụng…
Phát triển dịch vụ bán lẻ có tác dụng đẩy nhanh quá trình luân chuyển tiền tệ, tận dụng tiềm năng to lớn về vốn để phát triển kinh tế, đồng thời giúp cải thiện đời sống dân cư, hạn chế thanh toán tiền mặt, góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả ngân hàng và khách hàng. Trong thời gian tới, với vai trò là chủ thể quản lý, Ngân hàng Nhà nước ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo lập môi trường pháp lý cho dịch vụ bán lẻ hình thành, vận động phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường Lạng Sơn. Đồng thời, thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý khi có tranh chấp, có rủi ro trong hoạt động bán lẻ của các ngân hàng thương mại và khách hàng. Căn cứ vào hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, điều tiết các ngân hàng thương mại và khách hàng triển khai dịch vụ bán lẻ một cách phù hợp theo phương thức cạnh tranh lành mạnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()