Tập trung khắc phục hậu quả bão số 4; theo dõi chặt chẽ diễn biến siêu bão Meranti
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 13 giờ ngày 13-9, vị trí tâm siêu bão có tên quốc tế là Meranti ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 124,0 độ kinh đông, cách đảo Lu Dông khoảng 300 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17. Do ảnh hưởng của bão, từ sáng 14-9, vùng biển phía đông bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 10 đến cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua cấp 15 đến cấp 17, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
* Chiều 13-9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) có Công điện số 23 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hệ thống Đài Thông tin duyên hải, các cơ quan thông tấn, báo chí với nội dung như sau:
Để chủ động đối phó siêu bão Meranti, các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão; thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu, các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng thời lượng phát sóng, truyền tin đến người dân để chủ động phòng tránh.
* Rạng sáng 13-9, trước cửa chợ trung tâm thương mại du lịch Bái Tử Long, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã xảy ra hiện tượng sụt lún có diện tích khoảng 100 m2. Hố sụt lớn này đã làm đứt gãy, chia cắt một đoạn đường lớn vào khu dân cư, cây cối cũng bị kéo gãy đổ. Do nằm cách xa khu dân cư nên hố sụt không ảnh hưởng đến nhà dân.
* Sáng 13-9, tại hai xóm Nam Kỳ La và Bắc Kỳ La, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc xoáy rất mạnh gây thiệt hại nặng nề. Theo UBND xã Nghi Vạn, lốc xoáy làm một người dân bị thương, gần 30 ngôi nhà bị tốc mái, hệ thống tường bao bị đổ ngã, làm gãy ba cột điện cao thế ở xóm 11 xã Nghi Vạn. Đã có 300 ha lúa, 15 ha cây ngô bị đổ ngã. Thiệt hại do dông lốc gây ra ước tính gần một tỷ đồng.
* Rạng sáng 13-9, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy làm 156 nhà dân ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Cam Lộ bị sập và tốc mái; bảy người bị thương… Mưa lớn và gió giật mạnh cũng đã làm hàng nghìn cây lâm nghiệp như tràm, bạch đàn bị gãy đổ, nhiều diện tích cây hoa màu bị ngã rạp; hơn 275 ha lúa hè thu bị ngập úng.
* Chính quyền xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang khẩn trương phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng Vũng Áng tìm kiếm cứu nạn hai tàu cá và ngư dân gặp nạn trên biển. Tối 12-9, khi đang trên đường vào đất liền tránh bão số 4, một tàu cá loại 24CV bị sóng đánh chìm ở biển Vũng Áng, cách đất liền khoảng 16 hải lý, các ngư dân trên tàu đã kịp thời di chuyển sang tàu cá 41 CV cùng vào đất liền tránh trú bão.
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, toàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Một số nơi xảy ra lốc xoáy đã làm tốc mái 126 ngôi nhà, bị thương 13 người, một người trên tàu QB 33250 TS bị rơi xuống biển mất tích. Nhiều tuyến đường tỉnh bị ngập, cây đổ gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân lợp lại nhà cửa để ổn định đời sống, thu dọn cây cối đổ để bảo đảm an toàn giao thông.
* Do ảnh hưởng của bão số 4, trong đêm 12 đến rạng sáng 13-9, tại khu vực tỉnh Quảng Nam có mưa và gió lớn đã làm nhiều diện tích lúa hè thu muộn, chuối trồng và cây xanh bị ngã đổ. Ngay sau khi bão tan, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam đã huy động lực lượng tập trung cắt tỉa cành, dựng lại số cây bị ngã đổ; dọn dẹp vệ sinh đường phố, kiểm tra, tu sửa lại hệ thống thoát nước bị hư hỏng nhằm khắc phục tình trạng ngập nước cục bộ ở khu vực nội thị.
* Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 4, từ tối 11 đến đêm 12-9 trên địa bàn có mưa to đến rất to. Mưa bão đã làm một người trú tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn bị chết, làm trôi một cầu gỗ dài khoảng 200 m ở xã Bình Dương; làm ngập úng 5 ha lúa đang giai đoạn chắc xanh tại cánh đồng Cầu Đập Đá, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn.
* Đến sáng 13-9, tại Đà Nẵng mưa đã giảm trên diện rộng, gió cũng đã lặng. Mọi sinh hoạt của của người dân Đà Nẵng diễn ra bình thường. Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 12-9, do ảnh hưởng của bão số 4, tại Đà Nẵng trời bắt đầu nổi gió và có mưa. Tuy nhiên, mưa và gió không lớn. Một số khu vực ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê bị mất điện trong thời gian ngắn. Một số cây xanh bị ngã đổ, bật gốc trong đêm… đã được Công ty môi trường khẩn trương thu gom.
* Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối 11 đến sáng 13-9, tỉnh Đác Lắc có mưa to trên diện rộng, mực nước ở các sông, suối bắt đầu dâng cao, nhất là các huyện phía bắc, tây bắc của tỉnh như Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Năng… Tỉnh Đác Lắc đã tuyên truyền, vận động di dời hàng chục hộ dân ở gần sông, suối, vùng dễ bị lũ quét lên sinh sống ở các vùng cao hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()