Tập trung gỡ khó trong phát triển kinh tế số
– Năm 2021, đánh dấu sự phát triển mạnh của kinh tế số trên địa bàn tỉnh với sự vào cuộc của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhất là nông dân. Thói quen mua sắm trực tiếp đang dần chuyển sang trực tuyến. Trong quá trình triển khai, đơn vị chủ trì là Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã nhận diện những hạn chế, từ đó đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nhận diện khó khăn
Sau gần 5 tháng triển khai (từ 7/2021), chương trình phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: toàn tỉnh đã mở được hơn 110.000 cửa hàng số; trên 90.000 tài khoản thanh toán điện tử. Trong đó có 6.718 hộ “đầu tàu” thường xuyên bán hàng hóa với số lượng lớn. Sở TTTT cũng phối hợp với các doanh nghiệp Vnpost, Viettelpost đào tạo lực lượng nòng cốt, tổ công nghệ cộng đồng với hơn 5.800 người; đã bán được hơn 21.000 đơn hàng. Có thể nói, kinh tế số như làn gió mới đối với người dân trên địa bàn tỉnh, bởi nông dân không cần ra chợ mà vẫn có thể bán được hàng, những loại nông sản, đặc sản, thực phẩm, nhất là các loại ăn tươi, thời gian bảo quản ngắn cũng được bán trực tuyến và chuyển đến tay người tiêu dùng trong thời gian từ 24 đến 48 giờ.
Nhân viên Viettelpost Lạng Sơn hỗ trợ nông dân đóng gói sản phẩm na
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc phát triển kinh tế số cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Cụ thể như: nông sản trên địa bàn tỉnh phần lớn thu hoạch theo mùa, khối lượng sản lượng nhỏ lẻ, manh mún, do đó, người dân chỉ có nhu cầu bán hàng trong thời gian ngắn. Sau khi hết mùa thu hoạch nông sản thì các gian hàng hầu như không hoạt động. Cùng đó, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh phân bố rải rác, dân cư thưa thớt nên khâu vận chuyển nông sản mua, bán gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, mới có 23% số cửa hàng bán được hàng thông qua các sàn thương mại điện tử. Con số này còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tiễn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhận thức của người dân về kinh tế số chưa đồng đều, việc mua bán trực tuyến chủ yếu được giới trẻ và người dân khu vực thành phố, thị trấn sử dụng, người dân khu vực nông thôn vẫn chưa có thói quen này. Dạo qua một số gian hàng trên các sàn thương mại điện tử: postmart.vn, voso.vn có thể thấy, người bán hàng chưa đầu tư nhiều thời gian cho gian hàng của mình. Thông tin về sản phẩm còn sơ sài, chủ yếu là hình ảnh, giá sản phẩm chứ chưa giới thiệu với khách hàng về những ưu điểm nổi bật của sản phẩm, sự khác biệt của sản phẩm nên chưa tạo được ấn tượng với khách hàng.
Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh chưa hoàn chỉnh. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 295 thôn, bản chưa có sóng 3G, 4G, do đó, người dân ở những khu vực này rất khó khăn trong việc tham gia mua, bán trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kinh tế số có quan hệ mật thiết với xã hội số, tuy nhiên, xã hội số trên địa bàn tỉnh chưa phát triển toàn diện nên đây cũng là rào cản.
Từng bước tháo gỡ
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TTTT cho biết: Sau khi xác định những khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế số chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp nhằm thay đổi thói quen của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh việc hoàn thiện các hạ tầng phục vụ kinh tế số.
Đối với công tác tuyên truyền, Sở TTTT đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin tuyền thông về phương thức mua sắm mới. Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp Vnpost, Viettelpost mở các lớp hướng dẫn, trang bị kỹ năng viết bài quảng bá về sản phẩm cho người dân.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Thời điểm mới triển khai chương trình phát triển kinh tế số, chúng tôi đã hỗ trợ bà con viết các bài quảng cáo về sản phẩm của mình trên cửa hàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm những thông tin hữu ích về các loại nông sản của tỉnh cũng như phối hợp tổ chức các hoạt động để trang bị kỹ năng quảng cáo, đóng gói và sơ chế ban đầu cho người dân nhằm nâng tầm cho sản phẩm nông sản của tỉnh.
Để thu hút nhiều người tham gia các sàn thương mại điện tử, Sở TTTT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đa dạng hóa sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, từ đó, kích cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tham gia; kêu gọi các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp tham gia thương mại điện tử nhằm tạo thói quen mua sắm trực tuyến cho nông dân. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển cây ATM mềm tại điểm bưu điện văn hóa xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các xã, vùng sâu, vùng xa trong thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt cũng như thuận lợi khi rút tiền, nạp tiền vào tài khoản; phối hợp định hướng nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, chú trọng khâu bao gói sản phẩm cũng như gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao uy tín với người tiêu dùng.
Ông Hoàng Mạnh Tuân, Giám đốc Viettelpost Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất bao bì, tem nhãn phù hợp với các loại nông sản của tỉnh. Cùng đó, tích cực hướng dẫn chủ các gian hàng khai thác lợi thế của mình trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, như vậy, gian hàng thường xuyên hoạt động và mang về một nguồn lợi nhuận cho người mở.
Với những nỗ lực của các đơn vị liên quan, tin rằng thời gian tới, chương trình phát triển kinh tế số sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm thực hiện từ các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()