Tập trung gỡ khó cho thể thao Việt Nam
Gần hai năm qua, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực trong xã hội và thể dục, thể thao (TDTT) cũng không ngoại lệ. Nhiều nhiệm vụ, kế hoạch công tác của ngành đã, đang và sẽ gặp không ít thách thức.
Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2021 (SEA Games 31) tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; nhiều công việc bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đăng cai đại hội đều phải tập trung chống dịch. Mặt khác, kinh phí chi thường xuyên phục vụ công tác tổ chức SEA Games 31 chưa được cấp, hầu hết công việc cụ thể liên quan tới hậu cần, lễ tân khánh tiết, khai mạc-bế mạc, y tế và kiểm tra doping, báo chí, các dự án công nghệ thông tin… tới nay đều chưa được triển khai. Trước những khó khăn trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ phương án lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 sang năm 2022.
Vận động viên tham gia sự kiện khởi động SEA Games 31. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).Ảnh: QUÝ LƯỢNG |
Thời gian qua, công tác tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao cũng bị gián đoạn, thay đổi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị của các đội tuyển thể thao quốc gia và phong trào rèn luyện thân thể của nhân dân. Việc không tổ chức được các giải thể thao trong nước đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của các đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao tỉnh, thành phố, ngành. Nhiều vận động viên phải ngưng tập huấn, trở về địa phương. Đặc biệt, việc dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chuyên môn của nhiều câu lạc bộ. Khó khăn về tài chính là điều dễ nhận thấy khi các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp hầu như không có nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn phải chi trả lương cho huấn luyện viên, vận động viên. Ngoài ra, rất nhiều hoạt động liên quan đến tập huấn nước ngoài, tham dự các giải đấu quốc tế, hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao, công tác trao đổi đoàn với các quốc gia trên thế giới đã bị hoãn, hủy…
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Tổng cục TDTT đã tích cực tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước tiên là việc triển khai kế hoạch hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật giai đoạn 2021-2025. Trong đó, kế hoạch tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động toàn dân tập luyện TDTT thường xuyên và xây dựng, phổ biến tài liệu hướng dẫn tập luyện TDTT đúng cách. Song song với nhiệm vụ trên là việc tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị công tác tổ chức SEA Games 31, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đối với SEA Games 31, trong trường hợp Chính phủ quyết định cho phép lùi thời gian tổ chức sang năm 2022, cần sớm phân bổ kinh phí cho công tác tổ chức đại hội và bổ sung một số phương án về phòng, chống dịch. Chủ động điều chỉnh quy mô, thời gian và địa điểm tổ chức các sự kiện thể thao trong nước, các lớp tập huấn trong những tháng cuối năm 2021 phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Nhằm ứng phó với mọi tác động không mong muốn, ngành thể thao Việt Nam cần tăng cường khả năng dự báo, nâng cao tính linh hoạt của đội ngũ cán bộ chuyên môn toàn ngành từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh xã hội có sự biến động (không chỉ dịch bệnh mà còn thiên tai, lũ lụt…). Phải tiến hành rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách, quy định từ Trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực TDTT hướng đến việc gắn chặt với Luật TDTT, các quy định pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều chỉnh những quy định chưa phù hợp với quy định của Luật TDTT, nghị định Chính phủ, các thông tư mới đã ban hành, xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới theo hướng triển khai Luật TDTT vào đời sống thực tiễn phù hợp với quy luật phát triển và hội nhập quốc tế.
Để thể thao phát triển bền vững, tôi cho rằng cần huy động các nguồn lực xã hội, củng cố và nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội, liên đoàn thể thao quốc gia… tham gia vào phát triển sự nghiệp TDTT cách mạng vì nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Cần xác định rõ và thúc đẩy sự tham gia của truyền thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành TDTT trong thời đại công nghệ số.
Ngoài ra, cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bằng phương châm bao quát nhưng cụ thể với những ưu tiên, lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện, khơi dậy khát vọng cống hiến, sáng tạo, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành thể thao cùng với các tổ chức xã hội cần tập trung cao độ, chung tay gỡ khó để cùng phát triển.
Ý kiến ()