Tập trung giám sát dịch bệnh do vi-rút Zika tại cộng đồng
Dịch bệnh do vi-rút Zika tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có một số nước trong khu vực Đông - Nam Á như: Thái-lan, Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po... Bộ Y tế đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể cũng như phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế giám sát chặt tại cộng đồng.
Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 2-9, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi-rút Zika. Tại các nước khu vực Đông – Nam Á (nêu trên), cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi-rút Zika với các trường hợp mắc bệnh nhưng chủ yếu mang tính đơn lẻ. Riêng tại Xin-ga-po, từ cuối tháng 8 đến nay ghi nhận có sự bùng phát dịch do vi-rút Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hằng ngày, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20 đến 27 trường hợp mắc mới.
Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gien cho thấy, đây là chủng vi-rút có nguồn gốc châu Á, không phải là chủng xâm nhập từ các nước khu vực Nam Mỹ. WHO tiếp tục khẳng định tình trạng dịch bệnh do vi-rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do sự liên quan giữa vi-rút Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (GBS). Đồng thời, cho rằng sự lan truyền của vi-rút Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 5-9, hệ thống giám sát dịch bệnh đã xét nghiệm 2.554 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đã phát hiện ba trường hợp dương tính với vi-rút Zika tại TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là ba trường hợp nhiễm vi-rút Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Các chuyên gia nhận định thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh do nước ta đã lưu hành loại vi-rút này trong cộng đồng, trong khi đó muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH), cũng là loại muỗi truyền bệnh do vi-rút Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa, nên thuận lợi cho việc truyền vi-rút Zika từ muỗi sang người chưa có miễn dịch. Ngoài ra, do sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực, cho nên có nguy cơ rất lớn nhiễm vi-rút Zika sau khi trở về từ các nước trong khu vực nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Để chủ động phòng, chống, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đến từ vùng có dịch. Đẩy mạnh việc giám sát vi-rút Zika tại các cơ sở y tế để đánh giá sự lưu hành vi-rút này tại nước ta; tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nghi ngờ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ, cập nhật kế hoạch, hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng, chống phù hợp. Phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ trong cả nước cập nhật hướng dẫn giám sát nhằm tăng khả năng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika tại cộng đồng; đồng thời triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát sàng lọc đồng thời ba bệnh Zika, SXH, Chikungunia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh…
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội tham gia vào chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy); yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, nhất là các hành khách đến từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh do vi-rút Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly. Thực hiện tốt giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika để xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của vi-rút Zika giúp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống; phun hóa chất diệt muỗi, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, điều trị đúng phác đồ; phân loại người bệnh, phân tuyến điều trị hợp lý…
Đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để người dân không hoang mang lo lắng; hướng dẫn cho cộng đồng, nhất là phụ nữ mang thai, người dự định có thai yên tâm, không đi xét nghiệm ồ ạt gây quá tải cho hệ thống y tế. Vận động người dân hưởng ứng chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống bệnh do vi-rút Zika và bệnh SXH” và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()