Tập trung giải quyết khó khăn
LSO-Hai Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập (gọi tắt là công ty lâm nghiệp) được Nhà nước giao quản lý hàng nghìn héc ta rừng trên địa bàn 20 xã thuộc huyện Lộc Bình (15 xã) và Đình Lập (5 xã). Tuy nhiên, những năm qua, hàng loạt vụ phá nhổ rừng trồng và những vướng mắc liên quan đến quản lý đất lâm nghiệp chưa được giải quyết triệt để khiến hoạt động quản lý, khai thác, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn.
Rừng sản xuất do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình trồng tại xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình |
Nhiều vụ phá nhổ rừng trồng trên đất doanh nghiệp
Theo số liệu của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập, từ khi hai đơn vị này được chuyển giao về Tổng Công ty Lâm nghiệp tháng 5/2015 đến nay, tại các khu rừng sản xuất của DN đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra nhiều vụ người dân phá nhổ rừng trồng và khai thác nhựa thông trái phép.
Cụ thể, tại huyện Lộc Bình, từ năm 2016 đến đầu tháng 11/2017, trên diện tích đất rừng do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình quản lý đã xảy ra 21 vụ phá nhổ rừng trồng, khai thác nhựa thông trái phép và ngăn cản các đội lâm nghiệp trồng mới rừng, diện tích thiệt hại trên 300 ha.
Tại huyện Đình Lập, hoạt động lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác gỗ rừng trồng, khai thác nhựa thông của doanh nghiệp xảy ra 7 vụ tại các xã: Bính Xá, Cường Lợi, Đình Lập; diện tích bị thiệt hại hơn 30 ha.
Tại hai huyện đã hình thành nhiều điểm nóng về tranh chấp cây lâm nghiệp giữa người dân và DN như: tại thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch; thôn Pò Nâm, Còn Cảm, Co Lượt, xã Tam Gia; thôn Kéo Cọ và Nà U, xã Lợi Bác; thôn Nà Tủng, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình. Huyện Đình Lập xuất hiện những điểm nóng như: thôn Pò Háng, Nà Lừa, Nà Lòn, xã Bính Xá; thôn Khe Pó – Bản Chuộn, xã Cường Lợi; Bản Chuông, xã Đình Lập.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp đất và cây lâm nghiệp giữa người dân và DN là do những kiến nghị của người dân liên quan đến đất sản xuất lâm nghiệp chậm được giải quyết; công tác quản lý đất lâm nghiệp yếu kém do lịch sử để lại; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số thửa đất giữa người dân và DN chồng lấn chưa được giải quyết kịp thời.
Nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ
Để tạo căn cứ cho công tác quản lý đất lâm nghiệp tại hai DN, tháng 11/2015, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án thiết kế kỹ thuật – dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cắm mốc ranh giới, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Trước khi thực hiện dự án, Công ty Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình được giao quản lý khoảng 16 nghìn héc ta tại 20 xã, thị trấn. Sau khi rà soát sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, các DN thống nhất bàn giao lại cho địa phương khoảng 7 nghìn héc ta (Lộc Bình gần 3 nghìn héc ta và Đình Lập hơn 4 nghìn héc ta) để các địa phương phát triển kinh tế.
Đây là giải pháp của UBND tỉnh nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và DN đang còn vướng mắc. Hiện nay, các nội dung cần thực hiện như: lập lưới địa chính; xác định ranh giới, mốc giới đã cơ bản thực hiện xong và việc cấp giấy chứng nhận đang triển khai.
Bên cạnh đó, UBND các huyện và DN cũng đã có những động thái tích cực từng bước giải quyết các vướng mắc. Ông Lý Đức Thanh, Bí thư Huyện ủy Lộc Bình cho biết: Trước thực tế các vụ tranh chấp đất rừng diễn biến phức tạp, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như: tổ chức các đoàn công tác đối thoại, nắm bắt thông tin kiến nghị của người dân; chỉ đạo công an huyện điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm và yêu cầu DN ngừng triển khai sản xuất tại các vị trí người dân đang tranh chấp với DN.
Qua quá trình nắm bắt theo dõi chúng tôi được biết: Đến đầu tháng 11/2017, tình hình tranh chấp tại một số địa bàn nóng ở huyện Lộc Bình đã giảm như: tại thôn Nà Tủng (xã Nam Quan); Bản Luồng (xã Tú Mịch) và một số thôn thuộc xã Tam Gia.
Tại huyện Đình Lập, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân, hai bên đã đạt được thỏa thuận với kết quả hết sức tích cực. Số hộ dân lấn chiếm đất, giữ rừng, khai thác nhựa thông trái phép của lâm trường đã giảm từ 200 hộ năm 2016 xuống còn 153 hộ trong 10 tháng của năm 2017.
Để có thể giải quyết dứt điểm những khó khăn trong công tác quản lý đất, tranh chấp cây rừng, đất lâm nghiệp tại huyện Lộc Bình và Đình Lập; ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thiết kế kỹ thuật – dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cắm mốc ranh giới, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện và DN cần sớm phê duyệt phương án sử dụng đất đối với diện tích được giao quản lý và phần đất bàn giao lại cho địa phương. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, các cấp chính quyền tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về đất đai nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức nghiêm túc chấp hành pháp luật của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
TRANG NINH
Ý kiến ()