Cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT và PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện hàng loạt chiến dịch, qua đó bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Các cơ quan chức năng đã phối hợp tiến hành kiểm tra, phân tích 207 mẫu thức ăn chăn nuôi, trong đó 59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine O và 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol. Kết quả, không phát hiện Salbutamol và Auramine O. Bên cạnh đó, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc BVTV trong rau đã giảm 48%; tồn dư hóa chất trong sản phẩm thịt đã giảm 73%, ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 4%, so với chín tháng đầu năm 2015…
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn có những bức xúc nổi cộm khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn khá phổ biến. Đặc biệt, tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản đột ngột tăng gấp bảy lần so với chín tháng đầu năm 2015, nhất là tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Đáng chú ý, hiện nay do việc tăng cường kiểm tra liên tục, đột xuất của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng mua, bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên khó phát hiện và triệt phá, vì có không ít các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động bí mật, hình thức tinh vi hơn. Trong khi đó, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, cho nên một số cơ sở sản xuất vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…
Phó Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hùng Long cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, là tập trung giải quyết vấn đề ATTP một cách căn bản và tạo sự chuyển biến ở bốn lĩnh vực chính là: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi, trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác. Chủ đề của Tháng hành động vì ATTP năm 2016 là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” trên phạm vi cả nước. Mục tiêu, nhằm giải quyết căn bản bức xúc, nổi cộm hiện nay là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc BVTV trong rau; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản…
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP đã giao cho các bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức sáu đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm gồm: Hà Nam, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đác Nông, Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, Bình Định. Đối với các địa phương, UBND, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo sở y tế phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra trên địa bàn; xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến rau, thịt; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt đã được xếp loại thấp trong các đợt kiểm tra trước đây…
Nội dung kiểm tra gồm: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP) giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ đối với thực phẩm là rau, thịt và các sản phẩm chế biến từ rau, thịt có bao gói sẵn đã qua chế biến. Điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt, trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật ATTP và các văn bản có liên quan; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; việc kinh doanh và sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; thuốc BVTV, thuốc thú y; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết…
Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư cũng đề nghị, các ban chỉ đạo địa phương, các ngành chức năng phối hợp các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau, thịt an toàn. Thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm, tiêu thụ, vận chuyển thực phẩm không an toàn đến các cơ quan quản lý trên địa bàn.
Ý kiến ()