Tập trung gia tăng chế biến lúa gạo thành các sản phẩm giá trị cao
Để tạo điều kiện cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nâng cao đời sống, các tỉnh ĐBSCL đang tập trung gia tăng chế biến lúa gạo thành các sản phẩm giá trị cao, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu khi xuất khẩu không có lợi; sản phẩm chính và phụ phẩm của lúa gạo sẽ là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, sinh hóa nhằm tăng thêm việc làm cũng như tăng giá trị cho lúa gạo.
Để tạo điều kiện cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nâng cao đời sống, các tỉnh ĐBSCL đang tập trung gia tăng chế biến lúa gạo thành các sản phẩm giá trị cao, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu khi xuất khẩu không có lợi; sản phẩm chính và phụ phẩm của lúa gạo sẽ là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, sinh hóa nhằm tăng thêm việc làm cũng như tăng giá trị cho lúa gạo.
Đồng thời, các tỉnh giúp nông dân xây dựng thương hiệu lúa gạo để nông dân sản xuất hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường cung cấp thông tin thị trường để giúp nông dân có kế hoạch sản xuất theo cơ chế thị trường, giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa, rớt giá.
|
Chế biến gạo xuất khẩu (ảnh: TTXVN) |
Đặc biệt, các tỉnh ĐBSCL mở rộng liên kết “4 nhà” để giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản trong quá trình sản xuất, trong đó mở rộng liên kết theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL cũng đang kiến nghị Nhà nước tạo ra nhiều dịch vụ nhằm giúp nông dân đạt trình độ kỹ thuật cao nhất trong sản xuất để đạt năng suất cây trồng, vật nuôi tối ưu; ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế nông sản tại mỗi vùng, có cơ chế cho nông dân tham gia góp vốn vào nhà máy để tránh tình trạng nông dân làm không công cho thương lái.
ĐBSCL là vùng trọng điểm lúa, do đó các tỉnh trong vùng phổ biến rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu như IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, né rầy, canh tác lúa bền vững theo từng nhóm giống, tiểu vùng sinh thái, nhất là quy trình GAP để đạt chuẩn lúa gạo sạch, chất lượng cao; đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất lúa từ khâu làm đất, tưới tiêu, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, tồn trữ và chế biến để làm giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm công lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, mỗi hộ nông dân ĐBSCL canh tác bình quân gần 1 ha đất với thu nhập khoảng 39 triệu đồng/năm/ha, nếu gặp thiên tai, hoạn nạn, nông dân dễ lâm vào cảnh thiếu đói. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất vẫn còn phổ biến độc canh lúa; đầu ra của nông sản còn bấp bênh, phổ biến là được mùa rớt giá. Đây cũng là một trong những vùng trù phú, sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển trong hàng chục năm qua. (hàng năm, ĐBSCL cung cấp lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn nhất nước và đóng góp 23% GDP cả nước), nhưng cho đến nay, thu nhập của nông dân tại đây vẫn thấp hơn so với nhiều vùng kinh tế khác trong nước.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()