Tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển
Nhân kỷ niệm 60 năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Đại hội đầu tiên của Đảng ta tổ chức trong nước tại Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Sáng Vang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Tuyên Quang. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội năm năm tới để sớm đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển?Đồng chí Nguyễn Sáng Vang: Trong năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng trưởng GDP của tỉnh bình quân năm năm đạt hơn 14%/năm, thu ngân sách năm 2010 đạt hơn 800 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 702 USD, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đời...
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những định hướng trong phát triển kinh tế – xã hội năm năm tới để sớm đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển?
Đồng chí Nguyễn Sáng Vang: Trong năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; tăng trưởng GDP của tỉnh bình quân năm năm đạt hơn 14%/năm, thu ngân sách năm 2010 đạt hơn 800 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 702 USD, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, so với cả nước Tuyên Quang vẫn là tỉnh kém phát triển.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, đã ra nghị quyết một số mục tiêu chủ yếu là: Tốc độ tăng GDP bình quân hơn 14%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 1.300 USD; giá trị sản xuất công nghiệp hơn 6.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân hơn 5%/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.400 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo hơn 45%; tạo việc làm cho hơn 80 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 3 – 4%/năm… Đại hội xác định bốn lĩnh vực đột phá là: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông; phát triển công nghiệp; phát triển kinh tế du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhằm sớm đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía bắc nước ta.
Giải pháp hàng đầu để thực hiện là: thực hiện bê-tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước hiện đại hóa những tuyến giao thông chính nhằm rút ngắn thời gian lưu thông từ Tuyên Quang tới Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế của cả nước. Huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện theo quy hoạch; bảo đảm hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông xi-măng.
Để tiếp tục phát triển công nghiệp làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tạo việc làm cho người dân, từng bước chuyển dịch lao động, cơ cấu dân cư, tỉnh tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế, chính sách và tăng cường khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh; tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu khu công nghiệp Long Bình An của tỉnh và cụm, điểm công nghiệp tại các huyện, thành phố; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến sâu khoáng sản. Khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.
Là một tỉnh có tiềm năng phát triển về cả ba loại hình du lịch: du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Trong năm năm tới, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch, tập trung vào các khu, điểm du lịch có lợi thế của tỉnh… Tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch; phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ, phục vụ, tăng nguồn thu từ du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch không những mang lại lợi ích kinh tế cho Nhà nước và nhân dân mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về cảnh quan và nét đẹp của con người Tuyên Quang.
Là tỉnh có nguồn lao động dồi dào, người dân có truyền thống yêu quê hương, đất nước, cần cù, chịu khó, hiếu học, việc tập trung đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển, năm năm tới tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tập trung tạo bước chuyển biến căn bản và toàn diện về chất lượng giáo dục – đào tạo; thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ khoa học công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực. Huy động nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa về hình thức và hiện đại hóa trang thiết bị để đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, cơ cấu ngành nghề hợp lý, gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Gắn kết đồng bộ các chính sách, giải pháp đào tạo, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tạo môi trường thuận lợi để phát triển con người (nâng cao thể chất, giáo dục, đào tạo, sử dụng cán bộ, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao) phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển vững chắc nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, để người dân thật sự là chủ rừng, làm giàu từ rừng. Quy hoạch, xây dựng các xã để đạt tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện dự án tiếp tục đầu tư ổn định sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn (dự án vay vốn Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD). Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, tích cực và chủ động bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
PV: Đồng chí cho biết những kết quả bước đầu đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 vào cuộc sống như thế nào. Đặc biệt là bốn lĩnh vực mà tỉnh xác định tập trung đột phá?
Đồng chí Nguyễn Sáng Vang: Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 15, Chương trình công tác năm 2011. Chỉ đạo xây dựng các Nghị quyết, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội năm 2011. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã khẩn trương xây dựng các đề án quan trọng và tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm. Cụ thể như sau:
Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xây dựng tượng đài 'Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang', thể hiện sự tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đề án đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương xây dựng với quy mô nhóm Tượng đài A2 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.
Để giải quyết những khó khăn do tác động của dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khai thác tiềm năng, phát triển công nghiệp, du lịch và thu hút nguồn lực, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang, Chiêm Hóa để thành lập một huyện mới. Ngày 28-1-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Để xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân vùng nông thôn, tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai Đề án bê-tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'. Theo đó, tỉnh hỗ trợ xi-măng, cống và vận chuyển đến thôn, bản; hỗ trợ chi phí quản lý cho các thôn, bản, tổ, xóm để tổ chức xây dựng đường bê-tông nông thôn là hai triệu đồng/km; nhân dân tự giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu, công lao động; sử dụng nguyên vật liệu tại địa phương. Quy mô nền đường rộng 5 m, đường bê-tông rộng 3 m, bê-tông dày 16 cm. Dự kiến mỗi năm tỉnh dành hơn 100 tỷ đồng để thực hiện chương trình này, phấn đấu đến hết năm 2015, 70% đường giao thông nông thôn (2.183 km) được bê-tông hoặc rải nhựa. Ngay trong năm 2010, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp về công tác thực hiện bê-tông hóa đường giao thông nông thôn; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện bê-tông hóa đường giao thông nông thôn từ tỉnh đến cơ sở. Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đến nay, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự đồng tình, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, hầu hết các xã đã triển khai thực hiện đề án, trong đó có 13 xã đã làm được gần 30 km đường bê-tông nông thôn.
Cùng với những kết quả nêu trên, năm 2010, tỉnh đã hoàn thành đưa Nhà máy Xi-măng Tân Quang công suất 910 nghìn tấn xi-măng/năm vào hoạt động. Tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy phôi thép công suất 100 nghìn tấn phôi thép/năm, Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa công suất 130 nghìn tấn/năm dự kiến đưa vào hoạt động trong quý II-2011. Đây là những tín hiệu vui cho phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Để triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 và tập trung cho cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi Đảng bộ xã, phường, thị trấn. Đây là việc làm có tính đổi mới nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy sức mạnh các đồng chí cấp ủy viên, gắn kết giữa Đảng với dân, nắm chắc tình hình và kịp thời giải quyết những việc phát sinh ở cơ sở.
Với phương châm: 'Ổn định hài hòa, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, hội nhập phát triển' và tinh thần hành động của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 là: 'Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung, quyết liệt' nhất định Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, đưa Tuyên Quang ngày càng phát triển, xứng đáng là quê hương cách mạng Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Nhandan
Ý kiến ()