Tập trung đổi mới doanh nghiệp nhà nước
LSO-Sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã dần hoạt động ổn định và có những chuyển biến tích cực. Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh đang tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch đề ra.
Sản xuất gạch tại Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành |
Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015, trong năm 2015 Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp. Đến tháng 1/2016 tỉnh đã hoàn thành việc chuyển giao Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, cả tỉnh có 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước do UBND tỉnh quản lý gồm 2 công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nhà nước và 4 công ty cổ phần. Cùng với thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục triển khai việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Đây cũng là vấn đề nảy sinh nhiều vướng mắc mà hiện nay tỉnh vẫn đang tập trung xử lý. Đơn cử như việc thực hiện thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước (nhà nước nắm giữ từ 50 – 65% vốn điều lệ), tỉnh đã có phương án gửi Bộ Tài chính từ tháng 8/2015 nhưng thời điểm đó chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ (tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2015) ngày 1/6/2015 trong đó có mục 5 về một số khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nên phải tạm dừng.
Cùng với đó, việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Chợ cũng đang được triển khai, hiện tại nhà nước đang nắm giữ 71,09% vốn điều lệ. Ông Lê Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: do hoạt động chợ mang tính đặc thù, tính nhạy cảm xã hội cao nên ngoài mục tiêu lợi nhuận vẫn phải mang tính phúc lợi xã hội. Hoạt động của chợ phải đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng của nhân dân, quyền lợi hộ kinh doanh và gắn với mục tiêu ổn định xã hội trên địa bàn. Chính vì vậy việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa thực hiện được trong giai đoạn 2011 – 2015 và trong năm 2016. Tới đây, căn cứ theo tình hình thực tế Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện thoái vốn sao cho phù hợp, đúng theo quy định.
Cùng với công tác thoái vốn, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá hoạt động của một số doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tuyên bố phá sản, cần hướng dẫn doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện các thủ tục, nội dung liên quan theo quy định. Trong đó, chú trọng đến việc thực hiện chính sách đối với người lao động. Đối với doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả trong thời gian dài như Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông II Lạng Sơn, các sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá để hướng tới phương án thực hiện giải thể doanh nghiệp.
Để công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được thực hiện hiệu quả, theo đúng lộ trình. tại phiên họp đánh giá hoạt động 9 tháng đầu năm 2016 của Ban Đổi mới, phát triển doanh nghiệp tỉnh, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới; đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch đã đề ra; tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc phát sinh đối với các doanh nghiệp đã sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2015.
ANH DŨNG
Ý kiến ()