Tập trung đầu tư dự án sản xuất than-khoáng sản
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang tiếp tục rà soát, cắt giảm các dự án, hạng mục đầu tư chưa cấp bách; chỉ giữ lại các dự án, hạng mục chính phục vụ trực tiếp cho sản xuất, các dự án quyết định tăng trưởng của tập đoàn, của các đơn vị.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang tiếp tục rà soát, cắt giảm các dự án, hạng mục đầu tư chưa cấp bách; chỉ giữ lại các dự án, hạng mục chính phục vụ trực tiếp cho sản xuất, các dự án quyết định tăng trưởng của tập đoàn, của các đơn vị.
Đáng chú ý, có những dự án đã phê duyệt nhưng do tình hình tài chính khó khăn, Tập đoàn phải tạm giãn, dừng một thời gian để xem xét.
Do vậy, giá trị đầu tư của ngành thực hiện trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 7.062 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, Tập đoàn đang tập trung triển khai các dự án khai thác than hầm lò xuống sâu dưới mức -150 (Công ty than Mạo Khê); -35 khu Lộ Trí (Công ty than Thống Nhất), Dự án Đầu tư khai thác mỏ than Khe Chàm III; -50 mỏ than Ngã Hai (Công ty than Quang Hanh), khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu (Công ty than Uông Bí), khai thác phần dưới mức -50 Mỏ than Hà Lầm (Công ty than Hà Lầm); xây dựng công trình khai thác giai đoạn II mỏ than Mông Dương (Công ty than Mông Dương); đầu tư khai thác phần lò giếng khu Cánh Gà, Mỏ than Vàng Danh….. Đồng thời chuẩn bị mặt bằng để chuẩn bị khởi công đào lò xây dựng cơ bản dự án đầu tư khai thác mỏ Khe Chàm II-IV.
Bên cạnh đó, tập đoàn tiếp tục đẩy nhanh việc hiện đại hóa công nghệ khai thác hầm lò bằng việc áp dụng mạnh vì chống thủy lực đơn, giá thuỷ lực di động, cơ giới hóa công tác đào và chống lò khai thông, mở vỉa và chuẩn bị sản xuất ở những nơi có thể cơ giới hóa; đầu tư các thiết bị khoan tự hành phục vụ công tác đào lò, tăng cường đầu tư thiết bị an toàn mỏ hầm lò như hệ thống cảnh báo khí mêtan tại các mỏ hầm lò để đảm bảo an toàn sản xuất.
Tập đoàn cũng lựa chọn phương án đổ thải hợp lý cho các khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả; Đầu tư các thiết bị bốc xúc vận chuyển và triển khai nghiên cứu phương án vận tải hỗ hợp: Băng tải-trục tải-ôtô; tăng cường đầu tư thiết bị bốc xúc, vận tải than cho các mỏ lộ thiên theo nhiều hình thức. Mặt khác, đa dạng hoá các hình thức đầu tư như thuê tài chính, thuê hoạt động thiết bị …. để giảm sức ép về vốn đầu tư; lựa chọn hợp lý hình thức thuê đầu tư-xây dựng-vận hành các hệ thống băng tải đá và than tại các công ty sản xuất than nhằm đảm bảo hiệu quả chung.
Đối với các dự án khoáng sản như dự án Tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng đang trong quá trình chạy thử, hoàn thiện, đã ra sản phẩm Alumin cơ bản đạt các chỉ tiêu chất lượng; Đôn đốc nhà thầu thực hiện gói thầu EPC nhà máy tuyển và tuyến băng vận chuyển quặng tinh chính dự án Alumin Nhân Cơ.
Tập đoàn cũng tiếp tục thực hiện đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Cao Bằng, khu liên hợp gang thép Lào Cai, mở rộng nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền, cải tạo nâng cao chất lượng nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên, khai thác lộ thiên khu Đông mỏ thiếc sa khoáng Tĩnh Túc, khai thác tuyển và luyện quặng vàng gốc mỏ vàng Minh Lương-Văn Bàn-Lào Cai, hoàn thành dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng Cromit mỏ Cổ Định-Thanh Hóa từ 40.000 tấn/năm lên 80.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn còn đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án mở rộng và nâng công suất khu mỏ đồng Sin Quyền, mỏ sắt Kíp Tước, nhà máy luyện đồng Lào Cai (giai đoạn I) 3 vạn tấn/năm), khai thác mỏ đồng Vi Kẽm, dự án đầu tư khai thác, chế biến magnesite Kong Chro, Gia Lai; Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại nhà máy nhiệt điện Mạo Khê. Đồng thời thực hiện tiếp dự án nhà máy nhiệt điện Nông Sơn; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 5./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()