Tập trung đào tạo nghề cho người lao động
LSO-Nếu như 6 tháng đầu năm 2015, công tác đào tạo nghề cho người lao động đạt thấp thì 6 tháng đầu năm 2016, có trên 4.260 người được tuyển học trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề và các lớp dạy nghề, đạt 50,1% kế hoạch (trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 1.890 người). Đây là kết quả tích cực do các cơ sở dạy nghề đã nỗ lực tuyển sinh, triển khai tổ chức các lớp đào tạo nghề và sự thay đổi trong nhận thức của người dân về học nghề.
Đoàn viên, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn tuyên truyền cho người dân xã Tràng Phái, huyện Văn Quan về chính sách dạy nghề lao động nông thôn |
Theo đánh giá của Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH tỉnh, nổi bật trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề thời gian qua phải kể đến Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. Sau nhiều năm khó khăn trong tuyển sinh học nghề, năm nay nhà trường đã áp dụng phương pháp mới: tuyển sinh tại địa bàn kết hợp với đưa đón học sinh nhập học. Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: với phương pháp phối hợp với UBND xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, chúng tôi đến tận nơi vận động, tuyên truyền cho học sinh, người lao động về đào tạo nghề, các chính sách được thụ hưởng khi học nghề tại nhà trường, cơ hội xin việc làm sau khi ra trường… Đặc biệt, chúng tôi tổ chức đưa, đón học sinh khi đã đồng ý đăng ký học tại nhà trường và hỗ trợ làm thủ tục nhập học nhanh chóng, thuận tiện. Nếu 6 tháng đầu năm 2015, trường không tuyển được học sinh nào học nghề thì 6 tháng qua, nhà trường đã tuyển mới dạy nghề được 200 học viên, tăng 100% so với cùng kỳ.
Đối với Trung tâm Dạy nghề huyện Tràng Định, đến nay huyện đã mở được 2/2 lớp nghề, đạt kế hoạch tỉnh giao. Đồng thời, huyện xin mở thêm 2 lớp nghề xã hội hóa. Ông Hứa Văn Ân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tràng Định cho biết: qua việc lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân về công tác dạy nghề trên phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp đoàn thể, họp khối thôn, nêu gương điển hình trong sản xuất giỏi, chúng tôi thấy bà con đã thay đổi cách nhìn nhận về việc học nghề, thực tiễn của việc học nghề. Với đặc thù huyện còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều như Tràng Định thì việc thay đổi nhận thức của người dân trong học nghề góp phần nâng cao năng suất lao động thay vì sản xuất theo kinh nghiệm như trước đây.
Để đạt những kết quả như vậy, ngay từ đầu năm, Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH đã tham mưu triển khai nhiệm vụ về dạy nghề năm 2016; tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề giao cho các huyện, thành phố và kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn với các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn; xây dựng và ban hành hướng dẫn liên ngành giữa Sở LĐTB&XH và Sở Tài chính về quy trình tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn để chủ động trong việc mở lớp đào tạo. Trong đó, điểm nhấn là việc ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh năm 2016.
Ông Đinh Quang Chí, Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: đây là điểm khác so với năm trước. 6 tháng đầu năm, đoàn kiểm tra của sở đã kiểm tra công tác dạy nghề ở Tràng Định và Cao Lộc. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị chấp hành tốt các quy định về mở lớp, đầy đủ sổ sách, tên lớp, giáo viên, tổ chức lớp học, giáo án dạy nghề… Theo kế hoạch, Sở LĐTB&XH sẽ chỉ đạo chung Phòng LĐTB&XH huyện, thành phố tự kiểm tra, đánh giá. Trên cơ sở mỗi lớp nghề mở ra, tỉnh hoặc huyện, thành phố sẽ kiểm tra ít nhất 1 lần để đảm bảo hiệu quả dạy nghề. Từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tiếp tục mở lớp ở các huyện, thành phố, Phòng tham mưu cho ngành phối hợp với Trường Dạy nghề Thăng Long để mở các lớp nghề phi nông nghiệp. Hiện nhà trường đã lên tìm hiểu địa bàn, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân. Phấn đấu đến cuối năm, toàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đào tạo nghề qua các loại hình cho trên 8.500 lao động.
HOÀI AN
Ý kiến ()