Tập trung chính sách phát triển nhà ở
Sáng 27/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đa số các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chưa cần khuyến khích sở hữu nhà ở; trước mắt, cần tập trung chính sách phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Chính sách phải phù hợp với thực tiễn
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo do Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về chính sách phát triển nhà ở được quy định tại Điều 14 dự thảo Luật.
Theo Điều 14 của dự thảo, Nhà nước có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua nhằm phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu trong xã hội. Nhà nước chủ động hỗ trợ vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở.
Đoàn đại biểu tổ TP. Hồ Chí Minh thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). |
Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí với chính sách phát triển nhà ở như quy định trong dự thảo Luật, vì cho rằng, quy định như vậy là thể hiện rõ tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nhà ở. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, quy định này còn chung chung, mang tính nghị quyết, tính khả thi không cao, vì nguồn vốn ngân sách nhà nước là có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở là rất lớn. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước chủ động hỗ trợ vốn cũng cần được cân nhắc, vì Nhà nước chủ yếu hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, cơ chế cho vay… chứ không trực tiếp hỗ trợ vốn.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế hiện nay, có những gia đình chỉ có 10 m2 nhưng đến 8 người ở, hay số lượng người dân, người lao động phải đi thuê nhà là rất nhiều, sống cơ cực, nên việc sở hữu nhà là rất khó khăn; do đó, nên khuyến khích thuê nhà ở xã hội. “Chính sách nhà ở xã hội cần hướng tới thị trường công bằng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 là quy định tiến bộ, nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đại biểu bày tỏ băn khoăn: Nhà nước có nên lập chính sách để mọi người sở hữu nhà ở hay tập trung chính sách mọi người có nhà để ở?. Theo đại biểu, cần đặt vấn đề này trong bối cảnh thực tế hiện nay, chưa cần khuyến khích sở hữu nhà ở. Trước mắt, mọi cá nhân được thuê, hay có nhà để ở? Dự thảo Luật cần thể hiện quan điểm rõ ràng …
Nhấn mạnh Luật sửa đổi cần mang tính đột phá, đại biểu Trần Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh)cho rằng: Trong điều kiện đất nước phát triển, dân số gia tăng, không nên đặt vấn đề sở hữu nhà ở vĩnh viễn, mà cần có thời gian, để tạo động lực phát triển cho xã hội; không chủ quan sở hữu nhà ở theo hình thức “cha truyền, con nối”. Do đó, thời điểm này cần phát triển nhà ở xã hội, trong đó, Nhà nước phải có vai trò chính, bên cạnh đó, xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho người lao động chưa có nhà ở.
Cần quy định chặt chẽ quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Điều 157), t heo quy định tại Điều 155 và Điều 157 của dự thảo Luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam, về cơ bản có các quyền sở hữu về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước; tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng; thời hạn sở hữu đối với tổ chức thì tối đa không quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm, nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu, đồng thời có quyền cho thuê nhà ở.
Cơ bản tán thành với chủ trương mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở để khuyến khích thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế; tuy nhiên, đềnghị cần làm rõ, trong khi nhu cầu về nhà ở còn rất lớn, cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở của người dân còn rất khó khăn, thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở, nhất là đối với người nước ngoài như trong dự thảo Luật sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nơi ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong nước?.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà,khống chế diện tích mua nhà ở để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định quá “lỏng” khi cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Luật quy định mở, nhưng cần có chế tài quản lý.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Luật quy định điều kiện đơn giản và quá mở, dẫn đến khó quản lý về vấn đề này.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()