Tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 2-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Công điện gửi các bộ, ngành, địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân bảo đảm an toàn. Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể ứng phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượngThủy văn T.Ư, từ nay đến 4-8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Trên vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 1,5 đến 2,5 m. Biển động. Dự báo trong hai ngày 3 và 4-8, trên hệ thống sông Hồng -Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 m, ở hạ lưu từ 2 đến 3 m. Mực nước sông Thao (tại Yên Bái) lên trên mức báo động 1; sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): báo động 2; sông Cầu (tại Đáp Cầu): báo động 1 và sông Lục Nam (tại Lục Nam): trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Rủi ro thiên tai cấp 2.
* Trận mưa lớn trên 200mm bắt đầu từ chiều tối 1-8 đã nhấn chìm hầu hết các con đường, tuyến phố của TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Rất nhiều tài sản của nhân dân chìm trong biển nước. Người dân trên địa bàn thành phố phải thức trắng đêm để di chuyển đồ đạc trong mưa lớn.
Công nhân Công ty cổ phần than Mông Dương (Quảng Ninh) hối hả vác gỗ gia cố các đoạn hầm xung yếu, chống sạt lở.
* Lào Cai có mưa lớn, kéo dài, trên diện rộng, nguy cơ gây sạt lở cao. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai và chính quyền các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tại chỗ để di chuyển khẩn cấp 36 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn.
* Tại Cao Bằng, mực nước sông Bằng tại trạm Thủy văn Bằng Giang đạt đỉnh lũ mức 180,96 m lúc 9 giờ, cao hơn 0,46 m so với mức báo động 1. Mưa kéo dài cũng gây sạt lở ảnh hưởng bốn nhà dân tại xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình, kè đá ta-luy âm tại tổ 3 thị trấn Nguyên Bình bị sạt lở, gây ảnh hưởng năm nhà dân khác.
* Hiện nay, các tuyến quốc lộ 6, 6B, 43, 37, 279, 4G trên địa bàn tỉnh Sơn La đều bị sạt lở, ách tắc giao thông. Ngoài ra, chín tuyến tỉnh lộ khác đi các huyện đều bị sạt lở, với khối lượng 3.500 m 3đất đá. Đến thời điểm này tổng khối lượng đất đá sạt lở, sa bồi trên các tuyến giao thông ở Sơn La là 28.799 m 3, ước thiệt hại gần 3,7 tỷ đồng.
* Tỉnh Bắc Cạn đã di dời 84 hộ đến nơi an toàn, trong đó riêng huyện Pác Nặm là 71 hộ đến các nhà họp thôn, trường học, nhà người thôn. Riêng tuyến đường 258B từ Bộc Bố đi Cổ Linh ở huyện Pác Nặm có khối lượng sạt lở rất lớn nên gây ách tắc. Ước tính ban đầu, thiệt hại khoảng 10,4 tỷ đồng.
* Tại Hải Dương, trận mưa lớn trong ngày 2-8 đã khiến các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Chương Mỹ, Ngô Quyền, Nguyễn Thị Duệ, Quan Thánh, Nguyễn Quý Tân, Hoàng Diệu… đang rơi vào tình trạng ngập lụt do các cống hai bên đường bị tắc, không thể tiêu thoát nước. Nhiều đoạn ngập sâu từ 5 đến 10 cm khiến việc lưu thông khá khó khăn.
* Tại Tuyên Quang, có 15 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại, một số công trình bị hư hỏng nặng, như: Công trình thủy lợi Nà Ổi, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, huyện Na Hang toàn bộ thân đập bằng rọ thép bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; công trình thủy lợi thôn Dằm, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên bị lũ cuốn trôi đập đầu mối; công trình thủy lợi Ninh Kiệm, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên bị đất vùi lấp toàn bộ đầu cống và kênh mương dẫn nước… Mưa lũ còn làm ngập úng gần 400 ha lúa và hoa màu.
* Tỉnh Bắc Giang có 648 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, trong đó huyện Yên Dũng có 422 ha lúa mới cấy bị ngập úng, huyện Tân Yên có 129 ha lúa bị ngập úng, huyện Lạng Giang có 50 ha lúa bị ngập, huyện Lục Nam có 7 ha lúa bị ngập trắng và 40 ha lúa ngập râu trê. Tại TP Bắc Giang mưa cũng gây ngập cục bộ trên nhiều tuyến phố.
* Trận mưa kéo dài từ đêm đến sáng 2-8, tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) khiến nhiều điểm chung quanh hồ công viên ngập nặng. Lực lượng chức năng phải sử dụng xe cơ giới để phá đập tràn cầu Sông Sinh để xả nước, tránh ngập cho 500 hộ dân. Hiện 11 xã của hai huyện Hoành Bồ và Ba Chẽ vẫn bị cô lập.
* Tổng Công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC) cho biết, mưa lớn trong ngày 1 và 2-8, TP Uông Bí (Quảng Ninh) bị mất điện năm trạm biến áp (TBA) cấp điện cho 1.349 khách hàng; huyện Đông Triều đổ cột điện, gây mất điện 28 TBA phân phối và khoảng 7.000 khách hàng. Hiện Quảng Ninh có hơn 8.000 khách hàng chưa có điện. Ngoài Quảng Ninh, hệ thống điện các tỉnh phía bắc cũng bị ảnh hưởng nhiều sự cố. EVNNPC đang nỗ lực cùng các đơn vị trên địa bàn khắc phục sự cố.
* Ngày 2-8, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) cho biết, đang nỗ lực cao nhất để bảo đảm an toàn và khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để cấp than cho điện. Dự kiến, sau khi hết mưa khoảng bốn đến năm ngày, sẽ khôi phục khoảng 30 – 50% năng lực, ưu tiên số 1 cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng,….
* Ngày 2-8, đoàn công tác của TP Hải Phòng đã đến xã Việt Hải – nơi bị ngập lụt nặng trong suốt năm ngày qua để thăm hỏi và trao 100 triệu đồng từ Quỹ cứu trợ thành phố cho địa phương; Hội Cựu chiến binh thành phố trao tặng 20 triệu đồng và Bộ đội Biên phòng Hải Phòng trao 40 suất quà cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa ngập…
Khả năng xuất hiện một đến hai cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong tháng 8 Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, tháng 8 có khả năng xuất hiện từ một đến hai cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, Việt Nam và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong tháng, trên khu vực toàn quốc cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra như dông mạnh, dông sét, lốc xoáy, mưa đá… Ở các tỉnh Trung Bộ vẫn có thể xảy ra một vài đợt nắng nóng, tuy nhiên phạm vi không rộng, thời gian không kéo dài và cường độ không gay gắt so với các đợt nắng nóng trong tháng 7-2015. Ở khu vực trung và Nam Trung Bộ tình trạng khô hạn có thể vẫn xảy ra cục bộ.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()