Đến ngày 8-4-1975, trên chiến trường miền nam, trong khi quân đội và chính quyền Sài Gòn đang khẩn cấp bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, thế trận, triển khai xây dựng, củng cố các tuyến phòng thủ Phan Rang, Xuân Lộc – Long Khánh.
Đồng thời tăng cường phòng giữ tuyến đường số 4 phía nam Sài Gòn nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, hình thành tuyến phòng ngự bảo vệ Sài Gòn với các “mắt xích” Xuân Lộc – Phan Rang, Tây Ninh, bắc Củ Chi, Long An – Bến Lức thì quân và dân cả nước ta với khí thế cách mạng “một ngày bằng hai mươi năm”, “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, cũng đang quyết tâm chạy đua với thời gian, gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho trận quyết chiến cuối cùng tại Sài Gòn.
Trên tất cả các hướng chiến dịch, các cánh quân của ta đã dồn dập triển khai binh lực, vật lực áp sát các mục tiêu đã được phân công, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công địch. Từ miền bắc, Quân đoàn 1 nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh ngày 25-3 cấp tốc trên đường cơ động vào gần tới miền Đông Nam Bộ kịp thời tham gia chiến dịch lịch sử này. Quân đoàn 2 nhận lệnh ngày 4-4 nhanh chóng cơ động dọc theo vùng duyên hải chuẩn bị tới cửa ngõ tuyến phòng thủ Phan Rang (Ninh Thuận) của địch. Quân đoàn 3 nhận lệnh ngày 4-4 cũng hành quân gấp vào Đông Nam Bộ. Quân đoàn 4 sau khi tiến công giải phóng Đà Lạt, Di Linh và toàn tỉnh Lâm Đồng, theo đường 20, cơ động xuống áp sát tuyến phòng thủ Xuân Lộc (Long Khánh), chuẩn bị thế trận từ hướng đông của chiến dịch. Đoàn 232 bao gồm 3 sư đoàn bộ binh (5, 3, 8), Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và hai trung đoàn chủ lực 24, 88 của Quân khu 8 cũng khẩn trương tạo thế, tạo lực ở khu vực Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, sẵn sàng tiến công chia cắt chiến lược giữa Sài Gòn với vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo thế chiến dịch từ hướng tây nam.
Đồng thời với việc khẩn trương bố trí, điều chuyển lực lượng trên chiến trường chuẩn bị thực hiện quyết tâm chiến lược lớn, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước huy động tối đa nguồn lực vật chất bảo đảm cho các hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang. Chỉ tính từ ngày 11-4 đến ngày 25-4, quân và dân ta đã huy động được tổng số 55.000 tấn vật chất (trong đó B2 huy động được 40.000 tấn).
Tình hình đó, đòi hỏi phải có sự tập trung, thống nhất cao độ trong lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng đối với chiến trường trọng điểm Sài Gòn – Gia Định. Ngày 8-4-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ được cử làm đại diện của Bộ Chính trị tại Mặt trận. Theo quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định gồm có Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chính ủy; các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền làm quyền Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Văn Linh phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng; đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách chỉ đạo công tác tiếp quản sau giải phóng. Ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị quyết định bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Phó Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Phó Chính ủy chiến dịch.
Thực thi quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã khẩn trương bắt tay vào điều hành, chỉ đạo, chỉ huy quân và dân ta trên chiến trường miền nam dồn sức chuẩn bị cho trận quyết chiến lớn cuối cùng. Ngày 10-4-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định họp bàn, thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến dịch. Bộ Tư lệnh xác định: Đây là đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để. Vì vậy, chúng ta cần tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành ưu thế áp đảo, nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại, đập tan ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc. Trong quá trình tiến hành chiến dịch, cần kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước, giữ vai trò quyết định.
Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định phương án tác chiến là: “dùng một bộ phận thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng co cụm về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch phòng thủ vùng ngoài, đồng thời dùng lực lượng mạnh, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích binh chủng hợp thành cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào năm mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành”(1).
Như vậy, trong bối cảnh tình hình chiến đấu, công tác phục vụ cho chiến đấu diễn ra hết sức khẩn trương, quyết liệt, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã sáng suốt, kịp thời quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài
Gòn – Gia Định đã sớm đề ra phương châm, phương án tác chiến tối ưu. Thực tế đã chứng minh phương châm, phương án tác chiến do Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài
Gòn – Gia Định đề ra là hoàn toàn đúng đắn.
Cùng thời gian này, sáng
8-4-1975, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, phi công Nguyễn Thành Trung của ta lái chiếc máy bay F5E ném bom trúng dinh Độc Lập – biểu tượng quyền lực cao nhất của chính quyền Sài Gòn, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Sự kiện này đã gây chấn động và có ảnh hưởng lớn đối với tinh thần quân đội và chính quyền Sài Gòn đang trong trạng thái hoang mang dao động, bất lực trước đòn chuẩn bị quyết chiến của quân ta; mặt khác, nó góp phần khích lệ, động viên quân và dân cả nước ta tin tưởng sắt đá vào thắng lợi khi bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
(1). Theo: Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, tr. 432.
Ý kiến ()