Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng
Ngày 29-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 6 và sáu tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ngày 29-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc, nhằm đánh giá tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) tháng 6 và sáu tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại phiên họp, ý kiến phát biểu của các địa phương thể hiện sự đồng tình cao với các giải pháp phát triển KTXH thời gian qua của Chính phủ, nhờ đó, đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực; đồng thời thể hiện sự quyết tâm tiếp tục chung sức thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm 2015, năm có ý nghĩa quan trọng, kết thúc giai đoạn 2011 -2015. Các địa phương khẳng định, sẽ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh.
Về các giải pháp phát triển KTXH thời gian tới các địa phương kiến nghị cần sớm ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số luật, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015; tính toán nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực của cơ chế, chính sách được ban hành; xây dựng khung pháp lý rõ ràng và thể chế hóa thành hệ thống chính sách cụ thể phát triển vùng; đổi mới cơ chế huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ giữa các địa phương trong vùng; đầu tư các dự án phát triển hạ tầng KTXH liên vùng. Có cơ chế hỗ trợ các dự án sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có thế mạnh của Việt Nam; đầu tư và hỗ trợ đầu tư các dự án thủy lợi, giao thông, khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền, các dự án di dân, tái định cư; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quá trình đàm phán và nội dung các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm chủ động khai thác các lợi thế và giảm các tác động bất lợi do các FTA mang lại…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, KTXH phát triển cơ bản ổn định, tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; với mức tăng 6,28%, tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mức đặt ra cho cả năm là 6,2%. Bên cạnh đó, tình hình thu ngân sách, tổng đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng dư nợ tín dụng, sức mua, niềm tin thị trường diễn biến tích cực. Công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế đều đạt kết quả tích cực. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để chúng ta phấn đấu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm; nếu không có gì đột biến và chúng ta tiếp tục tập trung chỉ đạo, mục tiêu tăng trưởng đặt ra năm 2015 có thể đạt được, nhiều khả năng vượt.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, trong sáu tháng cuối năm, thuận lợi có nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, đề cao trách nhiệm, năng động sáng tạo, quyết liệt điều hành, phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, yếu kém, triển khai đồng bộ, đồng thời các giải pháp, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong sáu tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm sự phục hồi vững chắc của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
“Chúng ta cần tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách TTHC, mà đầu tiên là phải rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong hoạt động điều hành, vấn đề gì còn hạn chế, yếu kém cần tập trung làm rõ, không nói chung chung, mà phải khắc phục cho được” – Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư; thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. “Nhân dân không làm ăn tốt, doanh nghiệp không làm ăn tốt, chúng ta sẽ không có gì cả. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, không thu hút đầu tư toàn xã hội, chúng ta sẽ không bao giờ có được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo kế hoạch, phương án đã được duyệt của từng bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng, chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Theo kế hoạch, chiều 30-6, Chính phủ tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 6, thảo luận một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung sáu tháng qua: GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm, tăng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,6%; xuất khẩu ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3%; nhập khẩu ước 81,5 tỷ USD, tăng 17,7%; nhập siêu ước 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt 5,9% so cùng kỳ năm trước.
Đối với kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP, về chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh: thời gian đăng ký kinh doanh còn ba ngày, vượt chỉ tiêu so yêu cầu (Nghị quyết 19 đặt chỉ tiêu sáu ngày). Theo đó, thời gian Khởi sự kinh doanh còn 17 ngày và xếp hạng cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so các nước ASEAN 6. Chỉ tiêu Bảo vệ nhà đầu tư tăng từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm nhờ đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 và xếp hạng chỉ số này sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52); Tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc (từ vị trí 149 lên vị trí 122).
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()