Tập trung các giải pháp nhằm phát triển hiệu quả, bền vững vùng chuyên canh nguyên liệu thạch đen phục vụ xuất khẩu
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh phát biểu tại diễn đàn
– Sáng nay (12/12), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp trực tuyến giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh nguyên liệu thạch đen phục vụ xuất khẩu.
Đồng chí Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đồng chí Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đồng chủ trì diễn đàn.
Từ cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Qua đó, giúp thạch đen của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Để đảm bảo về chất lượng, sản lượng thạch đen đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu theo Nghị định thư, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị liên quan đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp về các nội dung quy định tại Nghị định thư. Đồng thời, tích cực triển khai mở rộng diện tích, phát triển vùng chuyên canh.
Tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 3.000 ha thạch đen. Trong đó có 128 vùng trồng thạch đen được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 600 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở đóng gói đủ điều kiện đóng gói thạch đen xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vùng chuyên canh, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong bối cảnh đó, diễn đàn được tổ chức nhằm tập trung trao đổi để đưa ra các giải pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu thạch đen phục vụ xuất khẩu.
Tại diễn đàn, đại diện các hộ trồng thạch đã nêu một số khó khăn, vướng mắc về quy trình trồng, chăm sóc thạch đen để đảm bảo tiêu chuẩn theo Nghị định thư, tập trung vào các vấn đề: phương pháp ươm giống; các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng; quy trình kỹ thuật chăm sóc thạch ruộng để đạt hàm lượng tinh bột cao…
Đại diện UBND các huyện có vùng trồng thạch trên địa bàn tỉnh nêu một số khó khăn về hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, đề nghị các ngành liên quan có giải pháp nhằm phát triển sản xuất thạch nương bền vừng, lâu dài.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thu mua, chế biến thạch đen nêu vướng mắc về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và quy trình, thủ tục đối với kiểm dịch sản phẩm thạch đen xuất khẩu.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN&PTNT tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã thảo luận, giải đáp đối với từng vướng mắc, khó khăn đã nêu.
Đồng thời, đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm, hỗ trợ tỉnh về các nội dung: triển khai mô hình ươm giống cây thạch đen có chất lượng cao; hỗ trợ triển khai đề tài nghiên cứu có tính chuyên sâu về quy trình trồng, chăm sóc cây thạch đen đạt hiệu quả cao; hỗ trợ về máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến thạch đen;…
Cùng đó người trồng thạch cần tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất theo hướng dẫn; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cây thạch đen. Các huyện có vùng trồng thạch cần có giải pháp duy trì, phát triển mã số vùng trồng; thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến và người dân…
Phát biểu tại diễn đàn, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao các giải pháp tỉnh Lạng Sơn đã triển khai trong thời gian qua nhằm phát triển bền vững vùng chuyên canh thạch đen. Đồng thời, nhất trí cao đối với việc triển khai các đề tài nghiên cứu về cây thạch đen nhằm nâng cao năng suất, chất lượng do Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn đưa ra.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn và UBND các huyện có vùng trồng thạch cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đáp ứng các nhu cầu về thạch đen xuất khẩu theo Nghị định thư. Đối với các kiến nghị, đề xuất khác, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp hỗ trợ.
Ý kiến ()