Tập trung các giải pháp
LSO-Nhằm sớm triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh, hiện nay, cơ quan chức năng tích cực các giải pháp: xác định phạm vi, ranh giới, diện tích các khu rừng có cung ứng DVMTR…. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chi trả theo quy định.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Lãng phối hợp với người dân
xã Thành Hòa phát dọn vệ sinh rừng
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2018 đến nay, chi cục thu phí DVMTR được 10,6 tỷ đồng (trong đó, 3,1 tỷ đồng thu từ doanh nghiệp nộp tiền trồng rừng thay thế, 7,5 tỷ đồng thu từ doanh nghiệp sử dụng DVMTR). Các đối tượng được hưởng chủ yếu là các hộ dân – chủ rừng với khoảng 40.000 hộ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, các nghị định của Chính phủ, phí DVMTR sẽ được chi trả cho các đối tượng là chủ rừng nằm trong vùng được thụ hưởng theo quy định. Tuy vậy, để việc chi trả theo đúng quy định, hiệu quả, cần điều tra, xác định phạm vi, ranh giới diện tích các khu rừng có cung ứng DVMTR, các đối tượng sử dụng DVMTR và các đối tượng được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh để sớm đi vào hoạt động.
Để thực hiện, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tích cực thực hiện các biện pháp. Trong đó, Chi cục làm việc và thuê đơn vị tư vấn thực hiện điều tra, xác định phạm vi, ranh giới diện tích các khu rừng có cung ứng DVMTR, các đối tượng sử dụng DVMTR và các đối tượng được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh (dự án). Đến nay, đơn vị tư vấn đã thực hiện xong dự án. Ông Vũ Quang Hưng, Trưởng phòng sử dụng và phát triển rừng – Chi cục Kiểm lâm cho biết: Hiện, phòng phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra hiện trường dự án. Theo đó, kiểm tra hiện trường các nội dung dự án: phạm vi ranh giới, loại rừng, loại cây,… Theo kế hoạch, việc kiểm tra thực địa dự án xong trong tháng 3/2020. Tuy vậy, do điều kiện thời tiết có mưa, cùng với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vì vậy, việc kiểm tra thực địa đạt khoảng 50% dự án. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra hiện trường dự án, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4/2020. Sau đó tiến hành nghiệm thu, hoàn thiện dự án, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt.
Song song với đó, để quản lý, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả, đảm bảo thống nhất hình thức quản lý quỹ cũng như việc chi trả có cơ sở pháp lý, ngày 5/3/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh sự cần thiết ban hành quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lạng Sơn và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lạng Sơn. Theo ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, UBND tỉnh đồng ý chủ trương thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và giao Chi cục Kiểm lâm kiêm nhiệm (kiêm nhiệm Ban Điều hành quỹ), không thành lập bộ máy chuyên trách riêng. Trong đó, Hội đồng quản lý quỹ gồm: đại diện lãnh đạo sở và các phòng, đơn vị chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kế hoạch – Tài chính, Thanh tra sở, Chi cục Kiểm lâm). Ngoài ra, sở xây dựng phương án thành lập cơ cấu, tổ chức của quỹ gồm: Ban Kiểm soát quỹ: đại diện các phòng chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kế hoạch – Tài chính, Thanh tra sở); Ban Điều hành quỹ (giám đốc, phó giám đốc quỹ; các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ) do bộ máy, nhân sự của Chi cục Kiểm lâm thực hiện kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, việc chi trả tiền cho các chủ rừng được thụ hưởng phải qua dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, hiện một số đơn vị dịch vụ ngân hàng, viễn thông liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp thực hiện. Tuy vậy, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do là lần đầu thực hiện nên các bước để tiến hành chi trả phải chặt chẽ, đảm bảo cơ sở pháp lý và đúng quy định. Hiện, sở tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện các bước hoàn thiện dự án, thành lập bộ máy tổ chức, hoạt động của quỹ trình UBND tỉnh phê duyệt… Từ đó thực hiện chi trả sớm nhất trong năm 2020.
Ý kiến ()