Tập trung các biện pháp phòng, trừ sâu hại ngô
LSO-Vụ xuân toàn tỉnh gieo trồng trên 15 nghìn ha ngô. Tính đến 8/4/2020, trên địa bàn có 54 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại (nhiễm nhẹ, trung bình), diện tích phòng trừ 42,5 ha. Để hạn chế sâu keo mùa thu gây hại, các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân đang tích cực thực hiện các giải pháp được ngành chức năng khuyến cáo.
Người dân xã Đình Lập (huyện Đình Lập) kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây ngô
Những ngày đầu tháng 4/2020, mặc dù thời tiết có mưa, song chị Bế Thị Hoa, thôn Khe Mạ, xã Đình Lập (huyện Đình Lập) vẫn tích cực thăm đồng, nhất là kiểm tra diện tích ngô thường xuyên. Qua kiểm tra, phát hiện có sâu keo mùa thu gây hại, chị Hoa theo hướng dẫn của khuyến nông viên xã, mua thuốc phun diệt trừ.
Chị Hoa cho biết: Năm 2019, tôi trồng 2,5 sào ngô, toàn bộ diện tích đều bị sâu keo mùa thu gây hại. Việc phát hiện muộn khiến sâu phát triển rất nhanh và gây hại mạnh. Vì vậy, năm nay, tôi thường xuyên theo dõi ruộng ngô để phát hiện và xử lý kịp thời. Không chỉ vậy, tôi còn được tập huấn tại xã về các biện pháp phòng trừ, trong đó có hướng dẫn việc mua các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun, không như năm trước, tôi tự mua thuốc về phun, hiệu quả không cao. Năm nay, tôi trồng 3 sào ngô, qua theo dõi tôi phát hiện có hiện tượng sâu gây hại và đã phun diệt trừ, hiện cây ngô phát triển bình thường.
Vụ xuân 2020, toàn xã Đình Lập trồng gần 100 ha ngô. Hiện tại, trên địa bàn có 5 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại rải rác ở các thôn. Sau khi phát hiện, người dân phun diệt trừ để tránh lây lan thành dịch. Để phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô hiệu quả, hiện nay, trưởng các thôn hàng ngày thông báo lên loa truyền thanh của thôn về tình hình sâu gây hại, các biện pháp phòng trừ, khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý kịp thời sâu gây hại. Ngoài ra, trong tháng 3/2020, xã tổ chức tập huấn, phát tờ rơi cho trưởng thôn, người dân các thôn về các biện pháp phòng chống sâu keo mùa thu.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đình Lập, tính đến ngày 7/4/2020, toàn huyện có 45 ha diện tích ngô nhiễm sâu keo mùa thu. Theo bà Nông Thị Yến Vinh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, diện tích nhiễm ở thể nhẹ, trung bình. Trung tâm chỉ đạo khuyến nông viên các xã tham mưu cho UBND xã, thị trấn chỉ đạo các thôn thông báo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ. Bà Vinh cho biết: Trong tháng 3/2020, trung tâm phối hợp tập huấn cho cán bộ xã, thôn tại 11/12 xã, thị trấn về các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô. Hiện nay, trung tâm tiếp tục cử cán bộ thường xuyên theo dõi, điều tra sâu bệnh gây hại, từ đó xử lý kịp thời không để thành dịch.
Tại huyện Lộc Bình, sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện và gây hại. Hiện nay, sâu xuất hiện gây hại ngô tại thị trấn Lộc Bình, xã Tú Đoạn, Hữu Khánh với tổng diện tích nhiễm 2 ha. Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Lộc Bình cho biết: Sau khi phát hiện sâu keo mùa thu hại ngô tại các xã, Trung tâm cử cán bộ kiểm tra, đồng thời chỉ đạo khuyến nông viên các xã hướng dẫn người dân phun diệt trừ. Vì vậy, hiện nay, diện tích nhiễm đã được người dân phun diệt trừ, không có diện tích nhiễm nặng.
Bà Hương nhấn mạnh: Năm nay, các văn bản về quy trình phòng trừ được triển khai đến người dân các xã, thị trấn ngay từ đầu năm. Trong đó, việc chọn giống ngô kháng sâu bệnh, sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Vì vậy, việc phòng trừ đạt hiệu quả, hiện trung tâm tiếp tục các biện pháp điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh.
Hiện nay, sâu keo mùa thu hại ngô xuất hiện tại các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Văn Lãng với tổng diện tích nhiễm 54 ha, diện tích phòng trừ là 42,5 ha, không có diện tích nhiễm nặng. Hiện, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Bảo vệ thực vật (thuộc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: Hiện, cây ngô phát triển giai đoạn 5 – 6 lá, đây là giai đoạn xung yếu nhất của cây ngô với sâu keo mùa thu, nếu không phòng trừ tốt sâu keo mùa thu gây hại nặng làm giảm mật độ cây ngô trên đồng ruộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất ngô sau này. Vì vậy, việc điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời là biện pháp quan trọng nhất để phòng trừ sâu gây hại. Trong đó, người dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng, diệt trừ kịp thời để cây phát triển tốt.
Ý kiến ()