Tập trung bảo đảm vốn đối ứng các dự án, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Ngày 1-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Cùng dự, có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, gần một tháng sau khi giảm lãi suất trung bình 1%, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, nhất là tiền gửi từ dân, qua đó khẳng định việc giảm lãi suất không ảnh hưởng việc huy động vốn. Tăng trưởng tín dụng ở mức khả quan, là tín hiệu tích cực cho thấy có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 đến 14% trong năm nay. Thống đốc NHNN kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì tăng trưởng GDP quý II mới đạt hơn 6%, qua đó mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm. Về xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, do triển khai mạnh những biện pháp như trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu đã có chiều hướng giảm, còn khoảng 7%.
Chủ tịch Ủy banT.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp quý I này thì đóng góp chính là lĩnh vực thủy sản. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông – lâm sản bắt đầu giảm. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo tích cực để bảo đảm tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thủy sản, cũng như cả lĩnh vực dịch vụ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, năm nay chúng ta phải giải ngân tám tỷ USD vốn ODA, nhưng nguồn vốn đối ứng năm nay dự kiến còn thấp hơn cả năm ngoái. Ðiều đó đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành phải tích cực vào cuộc để thu xếp đủ nguồn vốn đối ứng cho các dự án, công trình sử dụng vốn ODA. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm thị trường Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản… Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng mong muốn Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cấp phép, ưu đãi thuế…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc ngay từ đầu năm nghiêm túc triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến, kết quả tích cực trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi đạt kết quả cao hơn trong quý tới. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số hạn chế như, tăng tổng cầu còn chậm, vấn đề nợ xấu, DN khó khăn trong tiếp cận vốn… Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải tăng tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp Bộ Tài chính rà soát, chủ trì bàn giải pháp bảo đảm cân đối nguồn vốn đối ứng, qua đó thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn ODA; các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ðề cập nhiệm vụ quý 2, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, trong đó cần tập trung tăng tổng cầu đầu tư; yêu cầu Thống đốc NHNN tăng tổng dư nợ tín dụng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng; cùng với đó là tăng dự trữ ngoại tệ. Việc giải quyết nợ xấu không được nôn nóng mà phải thực hiện kiên trì, đồng bộ với tái cơ cấu các ngân hàng. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Bộ Tài chính sớm công bố công khai kết quả điều tra việc các DN tăng giá sữa thời gian qua…
Ðể tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo NHNN ưu tiên tăng tín dụng cho DN; rà soát lại việc tiêu thụ nông sản. Trước thời cơ các nước lớn muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư; thu hút mạnh FDI vào ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh, mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu mới. Bộ Công thương phối hợp các bộ để đàm phán các hiệp định như Hiệp định Ðối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA)…; đẩy mạnh đầu tư công, làm tốt công tác tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN; thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chính là xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Thủ tướng giao Bộ trưởng Y tế chịu trách nhiệm khẩn trương xây dựng chương trình quốc gia xóa căn bản bệnh lao; Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cân đối nguồn vốn cho chương trình nhà ở chống lũ miền trung; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tuần tới phải báo cáo Chính phủ cụ thể phương án (kế hoạch, tài chính…) tổ chức Ðại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) với tinh thần là khả thi, tiết kiệm thì mới làm; nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Cần xem xét lại việc đăng cai ASIAD 18
Chiều 1-4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Rất nhiều ý kiến tại cuộc họp báo tập trung vấn đề nên xem xét lại việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nêu rõ, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ Bộ VH-TT-DL rà soát, tính toán lại khả năng tổ chức ASIAD trình Thủ tướng Chính phủ, sau đó Thường trực Chính phủ họp mới quyết định có đăng cai hay không. Ðiều quan trọng là Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết từ những người có trách nhiệm, các chuyên gia, nhân dân và cả các cơ quan báo chí. Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng góp ý cho Chính phủ. Ðồng chí Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, về việc xã hội hóa, kể cả địa phương tham gia đầu tư các công trình phục vụ ASIAD, nhất là hạng mục sân đua xe đạp lòng chảo, do Chính phủ chưa quyết định tổ chức hay không, cho nên các nhà đầu tư chưa thể đưa ra quyết định. Có đơn vị muốn làm nhưng điều kiện đưa ra, chúng ta không thể đáp ứng được. Bộ trưởng cũng khẳng định, cho đến nay, hầu như các sự kiện thể thao lớn, hiếm khi nước chủ nhà có thể thu lợi nhuận. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, ông chưa nhận được thông tin gì về việc Việt Nam đã đặt cọc khi đăng cai hoặc bị phạt tiền khi bỏ quyền đăng cai ASIAD. Tuy nhiên, nếu phải hủy đăng cai thì nước chủ nhà cũng phải có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm.
Thận trọng xử lý thông tin nghi vấn hối lộ
Về thông tin nghi vấn một công ty Nhật Bản hối lộ để tham gia đấu thầu dự án đường sắt ở Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên khẳng định, đây mới chỉ là nguồn tin từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với phía Nhật Bản điều tra, làm rõ, nếu phát hiện thì xử lý nghiêm minh. Vừa qua, hai Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ. Quyết tâm của Việt Nam là khi xảy ra sự kiện, mặc dù chưa rõ ràng nhưng vẫn làm quyết liệt. Hiện nay, phía Nhật Bản đang điều tra. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quá trình điều tra ở Việt Nam thì phải luôn tuân thủ pháp luật của Việt Nam với tinh thần thận trọng, tỉ mỉ. Ðiều quan trọng là nếu phát hiện thì phải tìm ra các “lỗ hổng”, đề ra các biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra những vụ việc tương tự.
Tái cơ cấu VNPT
Về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son cho biết, VNPT là một trong những tập đoàn kinh tế chủ lực, ra đời và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới. VNPT là thương hiệu, niềm tự hào thành công của ngành viễn thông Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu, các cơ quan làm việc rất thận trọng. Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ có ba buổi làm việc xem xét tách mạng MobiFone ra khỏi VNPT để MobiFone trực thuộc Bộ TT-TT và thời gian tới thực hiện lộ trình cổ phần hóa MobiFone. VNPT sẽ tổ chức phần còn lại trên cơ sở mạng VinaPhone, hình thành thị trường viễn thông với từ ba đến bốn nhà mạng lớn để cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm có lợi nhất cho sự phát triển đất nước, theo đúng quy hoạch phát triển ngành của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, quý I-2014, tăng trưởng GDP ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%; xuất siêu khoảng một tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,6%; vốn ODA giải ngân ước đạt 364 triệu USD, tăng 5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,2%, tăng hơn 0,3%; 18,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới với số vốn 97,98 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% về số DN và 23,4% về số vốn so cùng kỳ năm trước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()