Tập trung bàn giải pháp phát triển doanh nghiệp
LSO-Sáng nay (17/5), đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5/2019.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp
Phát biểu khai mạc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những nội dung trình tại phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung dự thảo; đặc biệt là dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2025 (trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kỳ 45, tháng 7/2019).
Đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 2.760 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010, bình quân mỗi năm tăng 11% (cả nước 10,5%); với tổng số vốn 22,1 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần năm 2010; có 640 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Sự phát triển doanh nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực theo hướng: tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm dần; khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo. Cụ thể như năm 2018, tổng số thuế và các khoản đã nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1.383,5 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm 2010, bình quân tăng 10,6%/năm. Doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ có mức đóng góp cho ngân sách nhà nước cao nhất, chiếm 80,1% trong tổng số đã nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn, gấp 2,3 lần so với năm 2010. Mặc dù vậy, vẫn còn những hạn chế nhất định.
Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển và thành lập doanh nghiệp, đề án cần tập trung đánh giá đúng về thực trạng phát triển các doanh nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh, phân tích rõ các yếu tố tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu của đề án đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có 6.500 doanh nghiệp hoạt động, đề án cần đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó lưu ý đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp ưu tiên… Đề án cũng cần lưu ý đến công tác cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm và vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh vào 6/2019.
Trước tình hình các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng, khai thác đất san lấp không xin phép hoặc báo cáo chính quyền các cấp, tại phiên họp lần này, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động san, gạt, khai thác, vận chuyển đất san lấp.
Đối với nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện dự thảo để ký ban hành.
Ngoài ra, trong phiên họp này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định mức thu học phí ở các cơ sở giáo dục công lập năm học 2019 – 2020.
Ý kiến ()