Tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo
Thực hiện Quyết định số 670/QĐ-BTTTT ngày 12/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về dân tộc, tôn giáo cho các phóng viên, biên tập viên báo, đài Trung ương và địa phương, sáng 1/7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo.
Hội nghị đã trang bị cho các phóng viên, biên tập viên thêm nhiều hiểu biết của về vấn đề dân tộc, tôn giáo; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí; kỹ năng và nghiệp vụ tuyên truyền; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo.
So sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng gia tăng.
Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp cho nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn tồn tại “năm nhất”: địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.
Thông tin với các cơ quan báo chí về thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết: Nhà nước đã ban hành 118 chính sách và bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, với mục tiêu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội.
Từ đó, báo chí góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.
Tại Hội nghị tập huấn, bà Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã chia sẻ thông tin về chính sách pháp luật; xử lý và thu thập thông tin về tín ngưỡng, tôn giáo; các yêu cầu và kỹ năng căn bản khi viết bài tuyên truyền trên báo chí về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều: có 6 dân tộc hơn 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer); 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người là: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La.
Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, và Tây Nam Bộ.
Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa.
Ý kiến ()