Tập huấn thử nghiệm về chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xúc tiến các bước để chuẩn bị cho việc ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới và đưa vào triển khai thực hiện.
Trẻ mầm non tại thành phố Vinh |
Ngày 17/8, Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn về thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Tham gia tập huấn có các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non của các tỉnh thành phố: Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hà Nội.
Đại diện Vụ Giáo dục mầm non cho biết, tại buổi tập huấn các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu,… cùng chia sẻ, thống nhất việc đánh giá thử nghiệm, làm căn cứ xây dựng và ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ và nhu cầu xã hội trong giai đoạn tới.
Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi đã được ban hành theo Thông tư số 23 năm 2010. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, vì vậy cần xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số.
Thực hiện Luật Giáo dục, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khảo sát các địa phương, đánh giá, nghiên cứu xây dựng Dự thảo và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm về xây dựng “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi”.
Sơ đồ cấu trúc của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, gồm: 6 lĩnh vực, 22 chuẩn và 69 chỉ số |
Tại buổi tập huấn, các đại biểu tập trung vào các vấn đề như: Hướng dẫn sử dụng bộ công cụ và quy trình thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong đó có việc đánh giá trẻ trực tiếp theo các nhóm thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ,… đồng thời, đóng góp ý kiến về quy trình đánh giá thử nghiệm và Dự thảo Kế hoạch thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi tại địa phương.
Kết quả tập huấn là căn cứ để hoàn thiện các tài liệu triển khai thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong thời gian tới.
Ý kiến ()