Tập huấn nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã
Khóa tập huấn kéo dài trong 3 ngày (27 – 29/9) tại Ninh Bình với sự tham dự của 26 cán bộ đến từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội, Công An Huyện Thường Tín (TP Hà Nội), Viện kiểm sát Nhân dân Huyện Thường Tín (TP Hà Nội), Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội và Viện Khoa học Cảnh sát – Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Khai mạc tập huấn và đánh giá tình hình buôn bán ĐVHD trái phép hiện nay, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc WCS chương trình Việt Nam cho rằng: Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng từ các trung tâm thành phố lớn tại các nước Châu Á, tội phạm ĐVHD trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã phát triển thành các tổ chức, phát triển theo hình thức nối rộng mạng lưới toàn cầu.
Trước tình hình đó, Việt Nam cần phảinâng cao công tác quản lý và thực thi pháp luật với các đối tượng làng nghề thủ công buôn bán sản phẩm ngà voi và sừng tê giác.
Chia sẻ với các học viên kết quả nghiên cứu công tác điều tra, phá án thời gian qua, Trung tá, Tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết: theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, các vụ án buôn bán động vật hoang dã được đưa ra xét xử liên tục tăng cao (65 vụ năm 2011 với 92 bị cáo tăng lên 97 vụ với 156 bị cáo năm 2015), do đó đã đến lúc, công tác phòng ngừa tội phạm ĐVHD không còn là sự kêu gọi của những tổ chức bảo tồn, đó phải là mục tiêu hành động ngay của các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam. Bà Lan cũng khẳng định, nội dung tập huấn rất sát với yêu cầu và nhu cầu thực tế với sự tham gia của các học viên đến từ các cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác thực thi pháp luật phòng chống tội phạm ĐVHD.
Kết thúc tập huấn, đại diện cho học viên tham dự khóa tập huấn, Trung tá Nguyễn Hải Hưng, Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an đã đánh giá cao hiệu quả của khóa tập huấn. Các kiến thức liên quan đến nhận dạng loài và sản phẩm liên quan đến ĐHVD thu nhận được trong khóa học này rất cần thiết và sát với nhu cầu thực tiễn công tác.
Cũng tại buổi tổng kết tập huấn, một số đại biểu đề xuất ban tổ chức nên phát triển một cẩm nang pháp luật xử lý tội phạm ĐVHD, nhận dạng loài bị buôn bán trái phép phổ biến và cập nhật thường xuyên những thông tin mới.Qua đó các cán bộ thực thi pháp luật sẽ dễ dàng nắm bắt kịp thời những thông tin liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chương trình tập huấn có sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã – WCS, chương trình Việt Nam và sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Quản lý Thủy sản và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ./.
Ý kiến ()