Tập đoàn, tổng công ty kiến nghị gỡ vướng cơ chế để khơi thông nguồn lực
Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ngày 18/3, đại diện một số Tập đoàn đã nêu các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
PVN kiến nghị gỡ vướng về đầu tư
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn đặt ra các chỉ tiêu đầu tư năm 2023 khoảng hơn 57,8 nghìn tỷ phân bổ cho các lĩnh vực cốt lõi như khai thác dầu khí, công nghiệp điện, công nghiệp khí, lọc hoá dầu…
Với kịch bản giá dầu giả định là 70 USD/thùng, PVN phấn đấu hoàn thành tốt nhất doanh thu lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm 2023, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều vượt tiến độ đã đề ra.
Tuy nhiên, hiện tại, với những khó khăn về cơ chế giải ngân vốn đầu tư các dự án lớn, PVN đề xuất kiến nghị: Cần sớm có các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí, đặc biệt là vấn đề đầu tư ra nước ngoài.
Đại diện PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho chuỗi dự án như: Đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện Ô Môn II…Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án nhà máy điện Ô Môn III để EVN có thể triển khai thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ cấp khí thượng nguồn.
Vinafood1 cần tháo gỡ để nâng tầm cạnh tranh xuất khẩu
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) Bùi Thị Thanh Tâm, chia sẻ, từ khi thành lập, Vinafood 1 hoạt động luôn có lãi, bảo toàn và phát triển tốt vốn của Nhà nước. Doanh nghiệp này luôn bảo đảm cung cấp lương thực kịp thời ngay cả những thời điểm khó khăn do dịch COVID-19. Hiện nay ngoài thu mua gạo, doanh nghiệp còn thu mua và chế biến các loại nông sản khác với số lượng lớn.
Nắm bắt xu hướng các quốc gia đề cao vấn đề an ninh lương thực sau đại dịch, giám sát chặt chẽ hơn việc xuất nhập khẩu, thời gian tới, Vinafood1 sẽ tiếp tục phát triển mảng chế biến lương thực, nông sản, đáp ứng được các thị trường khó tính.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm mở rộng hợp tác với các đối tác lớn, có trình độ quản trị vượt trội, phát triển các thị trường mới tiềm năng.
Hiện Vinafood1 cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với hơn 200 thương nhân xuất khẩu gạo và hàng trăm doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này, do đó, đơn vị này kiến nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, đầu tư hiệu quả và tận dụng được cơ hội.
Về công tác cán bộ, hiện đang có sự chuyển dịch lớn từ khu vực nhà nước sang tư nhân và các doanh nghiệp FDI, nơi có chế độ đãi ngộ cao hơn, cơ chế tuyển chọn lại đơn giản hơn, do đó, cần sớm có cơ chế thông thoáng trong việc bổ nhiệm các cán bộ cấp lãnh đạo.
Vinachem kiến nghị cơ chế
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) chia sẻ, năm 2022, Tập đoàn đạt kết quả tích cực , doanh thu, lợi nhuận khả quan, không có đơn vị thua lỗ.
“Năm 2022, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Tập đoàn, 3 dự án thua lỗ trước đây thuộc diện tái cơ cấu đều có lãi (nhà máy đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai), là cơ sở để Tập đoàn phát triển bền vững”, đại diện Vinachem bày tỏ.
Trên cơ sở kết quả năm 2022, lãnh đạo Vinachem đã đặt ra kế hoạch năm 2023, theo đó, bên cạnh nhiệm vụ tái cơ cấu, Tập đoàn cũng phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu cao hơn năm trước, dù bối cảnh giá phân bón (chiếm doanh thu chính của tập đoàn) liên tục giảm giá.
Đại diện Vinachem đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, loại trừ các sản phẩm phân bón urê, phân lân chế biến không phải chịu thuế suất 5%, giúp giảm giá thành, giảm bớt khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.
Vinachem cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương duy trì biện pháp phòng vệ đối với các sản phẩm phân DAP và MAP nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo điều kiện phát triển bền vững doanh nghiệp trong nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…
Ý kiến ()