Tập đoàn Eneos Holdings của Nhật Bản dừng nhập khẩu dầu của Nga
Dầu của Nga chỉ chiếm chưa đầy 5% trong tổng khối lượng dầu nhập khẩu của Eneos. Đợt nhập hàng từ Nga gần đây nhất của Eneos là vào tháng Tư vừa qua và hãng không có ý định nhập thêm.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Tập đoàn Eneos Holdings, hãng bán buôn xăng dầu lớn nhất của Nhật Bản, vừa thông báo đã dừng nhập khẩu dầu từ Nga.
Phát biểu với các phóng viên, ông Takeshi Saito, Chủ tịch Eneos Holdings, cho biết dầu của Nga chỉ chiếm chưa đầy 5% trong tổng khối lượng dầu nhập khẩu của tập đoàn này. Đợt nhập hàng từ Nga gần đây nhất của Eneos là vào tháng Tư vừa qua và hãng không có ý định nhập thêm.
Theo ông Saito, Eneos dự định sẽ chuyển sang mua các nguồn cung thay thế khác như Trung Đông.
Cùng với Eneos, một nhà cung ứng xăng dầu lớn khác ở Nhật Bản là Idemitsu Kosan cũng thông báo sẽ dừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Theo Idemitsu Kosan, dầu của Nga hiện chỉ chiếm khoảng 4% lượng nhập khẩu của tập đoàn này.
Trước đó, ngày 9/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga về nguyên tắc nhằm gây sức ép với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Ông cho biết Nhật Bản là một nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu nên đây là một quyết định khó khăn.
Nhật Bản cam kết sẽ từng bước chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cấm hoặc từng bước dừng nhập khẩu dầu của nước này một cách kịp thời và có trật tự.
Trong một diễn biến liên quan khác, gần đây, giá bán lẻ xăng dầu ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm nhờ các biện pháp trợ giá của chính phủ.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), giá bán lẻ xăng dầu bình quân trên toàn quốc vào ngày 9/5 đã giảm còn 171,1 yen/lít, thấp hơn 1,7 yen/lít so với đợt khảo sát ngày 25/4.
Cũng liên quan đến căng thẳng dầu mỏ từ Nga, Cơ quan mạng lưới liên bang Đức cho biết các biện pháp trừng phạt mà Moskva đã công bố chống lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng không cho thấy tác động tới nguồn cung khí đốt ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong thông báo ngày 13/5, Cơ quan mạng lưới liên bang Đức nói rõ nguồn cung khí đốt ở Đức vẫn ổn định và an ninh nguồn cung được đảm bảo.
Lượng khí đốt bị thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt hiện đã được lấp đầy thông qua thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, giá bán buôn đã tăng vừa phải và mức tăng nằm trong biên độ dao động trong vài tuần qua.
Ngày 11/5 vừa qua, Nga đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Công ty Gazprom Germania và những công ty con khác trước đây thuộc tập đoàn khí đốt của Nga.
Theo lệnh này, các công ty bị trừng phạt sẽ phải chấm dứt hoàn toàn việc giao dịch khí đốt với Nga./.
Ý kiến ()