Gần nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành T.Ư, các địa phương, các đối tác và nhân dân cả nước, ngành dầu khí Việt Nam từ những bước đi chập chững ban đầu đã lớn mạnh cùng đất nước.
Những người lao động “đi tìm lửa” qua các thời kỳ với lòng say mê và khát vọng vươn lên, sự trăn trở vì sự nghiệp dầu khí đã lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xây dựng ngành dầu khí Việt Nam lớn mạnh, hiện đại và đồng bộ, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân cả nước; các thế hệ những người làm công tác dầu khí Việt Nam đã luôn ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đã vượt qua mọi trở ngại để xây dựng ngành dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng hàng đầu đất nước, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thật sự trở thành đầu tàu kinh tế, là động lực đẩy nhanh tiến trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đồng chí Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khẳng định: “Trong gần 50 năm qua, Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; có nhiều đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong gần 50 năm xây dựng và phát triển, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 110 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, chiếm trung bình 18-20% GDP của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 45 tỷ USD, chiếm trung bình 28-30%/năm tổng thu ngân sách Nhà nước; kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”.
Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí phát hiện là 1,3 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng dầu khí còn lại của Việt Nam ước đạt 2,8 đến 3,6 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước thời gian tới.
Hiện nay, Tập đoàn đang triển khai việc khai thác tại 18 mỏ dầu khí (trong đó: ở trong nước 17 mỏ và ở nước ngoài 1 mỏ); với tổng sản lượng khai thác dầu khí đến hết tháng 5-2010 đạt hơn 317 triệu tấn quy dầu (trong đó, khai thác dầu là hơn 259 triệu tấn và khai thác khí là hơn 58 tỷ m3).
Công tác thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển được đẩy mạnh cả ở trong nước và ở nước ngoài. Tiến độ các dự án đầu tư được bảo đảm. Đến nay, Tập đoàn đang triển khai thực hiện 57 hợp đồng dầu khí ở trong nước, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD. Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại với ba hệ thống đường ống dẫn khí (Rạng Đông – Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau) đang được vận hành an toàn và hiệu quả, hằng năm cung cấp 8 tỷ m3 khí khô cho phát triển công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong cả nước. Ba nhà máy điện (Nhà máy điện Cà Mau 1, 2 và Nhơn Trạch 1) với công suất lắp đặt đạt 1.950 MW được đưa vào vận hành đúng tiến độ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia. Nhà máy đạm Phú Mỹ được đưa vào vận hành từ năm 2004, đến nay đã sản xuất được gần 3,5 triệu tấn u-rê, góp phần bình ổn thị trường giá phân u-rê, hỗ trợ đắc lực cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực của đất nước. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đã đi vào hoạt động đúng hẹn, phục vụ phát triển kinh tế và giảm nhập siêu cho đất nước. Cùng với việc đầu tư phát triển các lĩnh vực trong một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, các hoạt động thương mại, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tài chính, bảo hiểm dầu khí, dịch vụ xây lắp dầu khí, dịch vụ tổng hợp, dịch vụ vận tải,… cũng đã được hình thành phát triển và có tỷ trọng đóng góp đáng kể trong doanh thu của Tập đoàn. Những năm gần đây, doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ dầu khí luôn chiếm tỷ trọng 25-30% trong tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
Mở rộng đầu tư ra nước ngoài
Cùng với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, Tập đoàn đã ký 49 thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nước trên thế giới, trên cơ sở đó, Tập đoàn đã ký kết và đang triển khai thực hiện 22 hợp đồng tại 13 nước. Các dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai như: dự án phát triển mỏ Nhe-nhe-sky tại LB Nga (Liên doanh Rusvietpetro thực hiện), dự án phát triển mỏ Giu-nin 2 tại Vê-nê-xu-ê-la (PVEP thực hiện), dự án thủy điện Luông Pha-băng tại Lào (do PVP thực hiện), thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Petro-vietnam – Gazprom… Kết quả bước đầu đạt được là từ năm 2007, Tập đoàn đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài, mang lại kết quả tốt đẹp cho công cuộc “vươn ra biển lớn”, sự thành công của các dự án trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược ngành đã đề ra, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Việc mở rộng đầu tư, phát triển ra nước ngoài, thắng thầu quốc tế các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, cung cấp các gói dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu Petrovietnam ở trong và ngoài nước.
Thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ
Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí của Tập đoàn trên các địa phương trong cả nước thời gian qua; Tập đoàn đã tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia, đã thật sự là nòng cốt là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi – Đà Nẵng, Nghi Sơn – Thanh Hóa. Ngoài việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho đất nước thông qua các sản phẩm của Tập đoàn như: khí, điện, đạm, xăng dầu… việc đưa vào vận hành các dự án trên đã thu hút nhiều doanh nghiệp kinh tế khác trong nước (EVN, Lilama, Vinaconex, BIDV, Vinalines…) cùng phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở các địa phương và các vùng lân cận nơi Tập đoàn triển khai dự án. Với các dự án của Tập đoàn đang được tích cực triển khai ở cả ba miền: bắc, trung và nam của đất nước, Tập đoàn đã bước đầu góp phần hình thành các khu công nghiệp đi liền với các dự án của Tập đoàn như: khu vực Cần Thơ – Ô Môn – Hậu Giang, Tiền Giang, Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh, Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế… Tập đoàn sẽ quyết tâm triển khai các dự án theo đúng tiến độ đề ra để góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thu hút các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.
Tập đoàn đã xây dựng đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, có trình độ cao, từng bước làm chủ các hoạt động dầu khí trong và ngoài nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành dầu khí Việt Nam; với số lượng lao động hiện có là hơn 35 nghìn lao động, trong đó hơn 1.300 người có trình độ trên đại học, hơn 16.500 người có trình độ đại học và cao đẳng, hơn 3.700 người có trình độ trung cấp và hơn 13.500 công nhân và lao động phổ thông. Lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn và các Tổng công ty đều có độ tuổi dưới 50, nhiều người có ba bằng đại học. Đây là nguồn nhân lực rất đáng quý, tạo nên những thành quả lao động rất đáng tự hào của ngành dầu khí trong gần 50 năm qua và chính họ là nhân tố quan trọng nhất để phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HĐQT PVN, cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, PVN đang bước vào giai đoạn tăng tốc, phát triển bằng sức mạnh đã được tích lũy sau gần 50 năm xây dựng. Với sức lớn mạnh của Phù Đổng, là trụ cột của nền kinh tế, vừa là đầu tàu vừa là hạt nhân của sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển đất nước”.
Ý kiến ()