Tập đoàn Công nghiệp cao-su mở rộng đầu tư tại Cam-pu-chia
Từ ngày 9 đến 13-6, nhận lời mời của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia do Ngài Yim Chhay-ly, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Cam-pu-chia dẫn đầu đã thăm, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam.Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đã đầu tư trồng cao-su tại các tỉnh của Cam-pu-chia được 60.000 ha. Tập đoàn đã giúp các tỉnh hàng chục triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng như: làm đường, xây dựng trường học, trạm xá, các công trình điện, nước tại một số tỉnh. Phó Thủ tướng Yim Chhay-ly đánh giá cao thành quả Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam tại Cam-pu-chia và khẳng định, Chính phủ Cam-pu-chia sẽ tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đầu tư trồng cây cao-su tại Cam-pu-chia, không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn giúp cho thanh niên tiếp cận với khoa học-kỹ thuật để phát triển đất nước.Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ...
Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đã đầu tư trồng cao-su tại các tỉnh của Cam-pu-chia được 60.000 ha. Tập đoàn đã giúp các tỉnh hàng chục triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng như: làm đường, xây dựng trường học, trạm xá, các công trình điện, nước tại một số tỉnh. Phó Thủ tướng Yim Chhay-ly đánh giá cao thành quả Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam tại Cam-pu-chia và khẳng định, Chính phủ Cam-pu-chia sẽ tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đầu tư trồng cây cao-su tại Cam-pu-chia, không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn giúp cho thanh niên tiếp cận với khoa học-kỹ thuật để phát triển đất nước.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia và cho biết, Tập đoàn ưu tiên đầu tư vốn, kỹ thuật mở rộng diện tích trồng cao-su tại nước bạn.
QUANG BÌNH
Về khoản hỗ trợ khám, chữa bệnh hiểm nghèo
Bộ Tài chính vừa ra Thông tư số 78/2011/TT-BTC hướng dẫn không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản hỗ trợ khám, chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động (bố, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp) từ nguồn thu nhập sau thuế TNDN, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng của doanh nghiệp (DN).
Thông tư nêu rõ DN được lấy từ nguồn thu nhập sau thuế TNDN, từ nguồn quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng để hỗ trợ người lao động và thân nhân người lao động mắc bệnh hiểm nghèo gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và của pháp luật nước ngoài; tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật HTX; đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập. Mức hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ số tiền khám, chữa bệnh nhưng mức hỗ trợ cao nhất không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế. Thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày 8-6.
PV
Đưa Nhà máy may TNG Phú Bình đi vào hoạt động
Sau 16 tháng thi công, ngày 13-6, tại Cụm công nghiệp Kha Sơn (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG đã chính thức đưa Nhà máy may TNG Phú Bình đi vào hoạt động. Đây là một trong những cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nhất Thái Nguyên với tổng diện tích nhà máy lên tới chín ha và số vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 200 tỷ đồng.
Nhà máy gồm 64 dây chuyền sản xuất hàng may mặc chất lượng cao, trong đó 50% số dây chuyền chuyên sản xuất hàng dệt thoi, còn lại là dây chuyền chuyên sản xuất hàng dệt kim. Toàn bộ thiết bị máy móc của Nhà máy may TNG Phú Bình được lắp đặt theo công nghệ hiện đại nhất của Tập đoàn Brother Sewingmachine (Nhật Bản) và Tập đoàn Gerber Technology (Hoa Kỳ), với công suất hai triệu sản phẩm áo giắc-két dệt thoi/năm cùng 1,5 triệu sản phẩm dệt kim/năm. Bước đầu, nhà máy tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động, trong đó có 80% là lao động địa phương với thu nhập từ 2,2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Dự kiến, toàn bộ sản phẩm của Nhà máy may TNG Phú Bình sẽ được xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
PV
Tài trợ gần 2.250 tỷ đồng cho Nhà máy gang thép Lào Cai
Sáng 13-6, tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt – Trung (VTM) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng, tài trợ vốn cho Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng giá trị 2.242 tỷ đồng.
VTM là đơn vị liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh – Trung Quốc, chủ đầu tư thực hiện đầu tư dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa (Lào Cai) và xây dựng Nhà máy gang thép Lào Cai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 337,5 triệu USD, vốn điều lệ do các bên liên doanh góp hơn 100 triệu USD; trong đó, vốn góp phía Việt Nam 55%. Nhà máy gang thép Lào Cai được xây dựng tại cụm công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng), giai đoạn 1 có công suất 500 nghìn tấn phôi thép/năm, vốn đầu tư 307 triệu USD, dự kiến hoàn thành cuối năm 2012. Khi nhà máy đi vào sản xuất, mỗi năm sẽ tạo ra giá trị sản phẩm hơn 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, nhà máy sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền cán thép, nâng công suất lên hơn một triệu tấn/năm.
PV
Nhập khẩu hơn 9,5 nghìn tấn than đầu tiên
Chiều 13-6, chuyến tàu chở hơn 9.575 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ In-đô-nê-xi-a đã cập cảng Cái Lái (Đồng Nai) do Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản than Đông Bắc (Tổng công ty Đông Bắc) đảm nhận. Đây là một trong những đơn vị được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao nhiệm vụ làm đầu mối nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền trung và miền nam.
Theo TKV – đơn vị đầu mối được Chính phủ giao nhiệm vụ chính về nhập khẩu than, dự kiến số lượng than nhập khẩu năm 2012 khoảng 10 triệu tấn/năm, số lượng sẽ tăng dần từng năm và đến năm 2020 là khoảng 100 triệu tấn/năm, trong đó phần lớn là than bituminous có nhiệt năng từ 5.000 đến 6.000 kcal/kg để cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, đơn vị nhập khẩu cũng đặc biệt quan tâm đến việc nhập khẩu các chủng loại than mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu, nhất là ngành thép và xi-măng. Nhập khẩu than được bàn đến nhiều năm gần đây, đến thời điểm này trở thành chuyện cấp bách. Hiện các nước phát triển nhập rất nhiều than, nhưng đồng thời họ vẫn xuất đi những loại than giá trị cao để nhập về những loại than rẻ hơn. Do vậy, khi triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện cần có những giải pháp hạn chế dùng than an-tra-xít (loại than tốt này tập trung ở tỉnh Quảng Ninh) rất lãng phí, do than này chủ yếu dùng cho công nghiệp luyện kim và hóa chất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()