Tạp chí Forbes phiên bản Israel đánh giá cao thành tựu của Việt Nam
Tạp chí Forbes phiên bản Israel có bài viết đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực, đặc biệt là thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Forbes cho rằng Việt Nam đạt được thành tích như vậy vì đã không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và cấu trúc lại nền kinh tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Tạp chí Forbes phiên bản Israel vừa đăng bài viết có tựa đề “Tại sao chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam,” trong đó đánh giá cao thành tựu chính trị, kinh tế, ngoại giao và thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 .
Bài viết đánh giá Việt Nam nằm trong số những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 là 7,02%.
Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu thặng dư liên tục trong 4 năm trong bối cảnh số quốc gia thâm hụt thương mại gia tăng.
Giải thích cho điều này, Forbes cho rằng Việt Nam đạt được thành tích như vậy vì đã không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và cấu trúc lại nền kinh tế.
Theo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc xếp hạng so với năm trước đó, lên vị trí 67, trở thành một trong những nước có bước tăng lớn nhất trong năm.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá Việt Nam có tiến bộ rõ ràng trong cải thiện môi trường kinh doanh trong thập kỷ qua.
Báo cáo Kinh Doanh năm 2020 của WB xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 70 trong 190 nền kinh tế. Thứ hạng này tương đối tốt khi 10 năm trước đó, Việt Nam đứng ở vị trí 90.
So với các nền kinh tế có thu nhập đầu người tương đương, Việt Nam có thành tích vượt trội hơn.
WB cũng nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bộ trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đánh giá này dựa trên hai lý do chính là Việt Nam đã cải thiện việc tiếp cận thông tin tín dụng thông qua việc cung cấp dữ liệu cho người dùng từ các ngân hàng thương mại và nâng cấp hệ thống thu thuế giúp các doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn.
Quá trình thu thuế hiện có thể được hoàn thành chỉ trong 1 ngày so với 2 đến 3 ngày làm việc như những năm trước đó.
Môi trường kinh doanh được cải thiện đã giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn.
Năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đã vượt mốc 38 tỷ USD, mức cao nhất trong 10 năm qua và tăng 7,2%/năm.
Forbes cũng cho biết Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do với các đối tác, bao gồm các hiệp định “thế hệ mới” có các cam kết cao hơn và rộng hơn.
Nổi bật trong số các thỏa thuận này là Thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, ký vào tháng 6/2019.
Đây là thỏa thuận đầu tiên của khối này với một quốc gia đang phát triển tại châu Á, mở đường cho việc giảm thuế đến 99% đối với hàng hóa giữa Việt Nam và EU.
Bên cạnh đó, Forbes cũng đề cập đến việc Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bài viết cũng đánh giá cao Việt Nam trong cách thức đối phó với đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu.
Forbes đã dẫn lại bình luận của tờ Financial Times nói rằng “Việt Nam đã chứng minh mô hình kiểm soát bệnh dịch tại một đất nước với nguồn lực hạn chế nhưng có lãnh đạo đầy quyết tâm.”
Dù có chung biên giới dài 1.100km với Trung Quốc, song đến ngày 26/4, Việt Nam chỉ ghi nhận 270 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào do COVID-19.
Bài báo cũng dẫn lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “chống dịch như chống giặc.” Việt Nam đã chủ động ứng phó với dịch bệnh bùng phát trước khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Theo Forbes, thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 ở trong nước cho phép Việt Nam có nhiều không gian hơn để thực hiện vai trò của mình trong các diễn đàn ngoại giao khu vực và quốc tế.
Forbes cho biết với việc giành được 192/193 phiếu bầu, Việt Nam đã được bầu chọn là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đây là lần thứ hai Việt Nam giữ vị trí này, chứng minh mong muốn của Việt Nam đóng góp cho an ninh và hòa bình của thế giới, đồng thời chứng tỏ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc.
Việt Nam cũng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đang cùng lúc giữ hai trách nhiệm một thời điểm.
Theo Forbes, đây là cơ hội cho Việt Nam tận dụng để phát triển mối quan hệ song phương với các quốc gia khác, tạo ra động lực mới để thúc đẩy vai trò và vị thế của đất nước.
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên vào đầu năm 2019, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Từ ngày 23/4, Việt Nam nằm trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại sau hơn 3 tuần khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 thể hiện sự lạc quan và tinh thần quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế-xã hội trong suốt nhiều thập kỷ qua. Môi trường kinh doanh thuận lợi và các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, Forbes kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nên nghĩ đến đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước khác đang chìm trong đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế tại phương Tây./.
Ý kiến ()