Tạo việc làm mới giảm 23% do ảnh hưởng của COVID-19
Thị trường lao động trong 9 tháng năm 2020 có nhiều biến động, ước tính cả nước tạo việc làm cho trên 925.850 người, đạt 57,5% kế hoạch và giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, có khoảng 18.528 lao động nước ngoài, là các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc.
Tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như may mặc, da giầy |
Theo báo cáo kết quả thực hiện tháng 9 và 9 tháng năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thị trường lao động trong 9 tháng năm 2020 có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.
Sự suy giảm việc làm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận…
Trong cuối tháng 7 và đầu tháng 8 dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại thành phố Đà Nẵng và lây nhiễm trong cộng đồng tại một số địa phương khác nên các hoạt động du lịch, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng; nhiều doanh nghiệp phải giảm sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu với các khách hàng chính ở châu Âu và Mỹ bị thiệt hại nặng nề dẫn tới hủy đơn đặt hàng… Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số địa phương tiếp tục sụt giảm; công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tiếp tục bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong tháng 9, cả nước tạo việc làm khoảng 116.500 người; trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 115.000 người.
Ước tính trong 9 tháng cả nước tạo việc làm cho trên 925.850 người, đạt 57,5% kế hoạch và giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2019. Tạo việc làm trong nước được 885.000 người, bằng 80% cùng kỳ năm 2019, đạt 60% kế hoạch năm. Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 40.850 người, chỉ bằng 41% cùng kỳ năm 2019.
Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện giải pháp hỗ trợ người lao động; tăng cường kết nối cung-cầu lao động và cung ứng nhân lực trên thị trường lao động. Nhiều Trung tâm dịch vụ việc làm đã triển khai các giải pháp linh hoạt trong phương thức tiếp cận người lao động; thực hiện các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; tăng cường khai thác những ưu thế của mạng xã hội và điện thoại thông minh qua việc liên tục cập nhật thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp lên website, Facebook và tư vấn trực tiếp qua các ứng dụng tiện ích như Zalo, email…
Theo dự báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đang dần phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.
Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có khoảng 18.528 lao động nước ngoài, là các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm quản lý tại các doanh nghiệp, có nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc (chủ yếu là người có quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…). Báo cáo của các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đến tháng 9, trên cả nước có 93.720 người lao động nước ngoài làm việc.
Trong thời gian qua, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thực hiện việc cấp mới, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật làm việc cho doanh nghiệp, tổ chức theo quy định và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trường hợp các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật đã nhập cảnh và đang làm việc tại Việt Nam thì thực hiện việc cấp mới, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo đúng thủ tục quy định với thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh tăng cường quản lý, theo dõi lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn các cơ quan liên quan gia hạn giấy phép lao động cho người lao động đang làm việc tại Việt Nam; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Ý kiến ()