Tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã được Tổng cục Hải quan cùng các bộ, ngành thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 1-1-2020) của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Công tác này góp phần thiết thực giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu; làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp các bộ, ngành tích cực triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia các TTHC đã triển khai. Tính đến ngày 15-12-2020, có 207 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với hơn 3,5 triệu hồ sơ của hơn 43,46 nghìn doanh nghiệp tham gia. Riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phối hợp triển khai chính thức thông qua NSW đối với 10 TTHC mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chín TTHC của Bộ Y tế. Xây dựng mới và đã hoàn thành kiểm tra kết nối, đang chuẩn bị triển khai chính thức 16 TTHC mới của các bộ: Công thương, Quốc phòng, Y tế; nâng cấp và cập nhật hai TTHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đang kiểm thử kết nối một TTHC của Ngân hàng Nhà nước, sáu TTHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, Bộ Tài chính triển khai chính thức Hệ thống một cửa quốc gia đối với tàu bay nhập cảnh và Hệ thống quản lý, giám sát tự động hàng hóa nhập khẩu đường hàng không tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Đến ngày 15-12-2020, Việt Nam kết nối chính thức ASW để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với chín nước ASEAN. Trong đó, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 247.858 C/O, Việt Nam gửi sang các nước là 313.859 C/O. Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo kế hoạch của ASEAN, hai chứng từ này dự kiến sẽ được kết nối trao đổi trong giai đoạn 2020 – 2021. Liên quan triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu, đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á – Âu, trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc, đã ký thỏa thuận hợp tác với Niu Di-lân để trao đổi chứng nhận điện tử.
Thời gian qua, khi thực hiện TTHC trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, với việc hồ sơ, chứng từ được điện tử hóa thì doanh nghiệp chỉ cần ngồi tại trụ sở của mình và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng thông tin một cửa quốc gia là có thể hoàn thành cấp phép và làm thủ tục thông quan lô hàng. Việc đơn giản, hài hòa hóa thủ tục giữa các cơ quan quản lý cũng giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại để thực hiện các thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa, chi phí ở hầu hết TTHC so với hình thức làm truyền thống trước đây đều giảm, thậm chí có TTHC ghi nhận giảm tới 93% chi phí. Bên cạnh đó, thực hiện TTHC qua Cổng thông tin một cửa quốc gia còn giúp tăng tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục cho doanh nghiệp, giảm sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, các vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức theo đó giảm đi.
Đáng chú ý, trên cơ sở kết quả triển khai NSW, ASW, Tổng cục Hải quan hoàn thành đề án trình Bộ Tài chính và đến ngày 16-9-2020, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, đề án đề xuất mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu với nhiều nội dung cải cách lớn, nổi bật là: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra; giao cơ quan hải quan là đấu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm nhằm cắt giảm số lượng lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra. Với mô hình này, dự kiến tiết kiệm tới 399 triệu USD/năm. Để tạo thuận lợi trong bối cảnh thương mại quốc tế được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương làm việc với các bộ, ngành để rà soát và xử lý các chồng chéo vướng mắc trong các quy định về kiểm tra chuyên ngành nhằm triển khai hiệu quả đề án sau khi được phê duyệt. Tính đến tháng 11-2020, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung được 27 trong tổng số 38 văn bản, ban hành 49 trong tổng số 60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 18 trong tổng số 22 nhóm hàng. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục làm việc với một số bộ để xử lý vướng mắc trong việc nhập khẩu hàng hóa là dược liệu có nguồn gốc thực vật, hàng hóa đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu, hàng hóa có chứa chất thuộc danh mục tiền chất.
Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương cho biết, thực hiện tốt vai trò điều phối trong triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành, thời gian tới, ngành hải quan tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thiện cơ sở pháp lý và xây dựng nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin thông qua NSW. Cùng với đó, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin và hoàn thiện đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung. Quá trình triển khai, bộ phận hỗ trợ thường trực (Helpdesk) của Tổng cục Hải quan sẽ tích cực hỗ trợ, phối hợp các bộ, ngành hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện TTHC thông qua NSW.
Ý kiến ()