Tạo thuận lợi hơn nữa cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Ngày 27-3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (ÐTNN) tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.
Ngày 27-3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (ÐTNN) tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.
25 năm qua, ÐTNN đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Với hơn 14.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 206,8 tỷ USD, vốn thực hiện 97,63 tỷ USD (tính đến hết năm 2012), ÐTNN trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội (hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội); góp phần khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất của một số ngành; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp (DN); gia tăng kim ngạch xuất khẩu và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đóng góp ngân sách 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012; tạo nhiều việc làm (hơn hai triệu lao động trực tiếp, từ ba đến bốn triệu lao động gián tiếp)… Ðồng thời, ÐTNN có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách DN nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường… Thông qua hợp tác ÐTNN, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới.
Tuy nhiên, việc thu hút ÐTNN thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng về tạo việc làm mới, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án ÐTNN nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô nhỏ, sự tham gia đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế, một số dự án gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng. Một số DN ÐTNN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách; không bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động dẫn đến đình công, bãi công…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thực tiễn 25 năm qua cho thấy việc thu hút vốn ÐTNN là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế của hoạt động ÐTNN tại Việt Nam cần ra sức khắc phục và khẳng định, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả vốn ÐTNN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn…
Ðể thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ÐTNN, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các địa phương phải nỗ lực phấn đầu hơn nữa để thực hiện một số nhiệm vụ. Trước hết, khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn. Ðồng thời chú ý một số chính sách cụ thể như: Có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Ðẩy mạnh thu hút ÐTNN vào các dự án hợp tác công – tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP này. Bổ sung quy định về tiêu chí DN công nghệ cao với các ưu đãi phù hợp, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có doanh thu, kim ngạch xuất khẩu hằng năm lớn và sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. Ban hành quy định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ; trong đó có ưu đãi cao hơn cho các DN đầu tư vào các dự án nằm trong “chuỗi sản xuất” tạo ra giá trị gia tăng cao tại Việt Nam. Ưu đãi khi đầu tư vào thị trường tài chính, thị trường vốn. Ban hành quy định rõ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường. Yêu cầu DN phải công khai một số thông tin liên quan về phát thải. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, có quy hoạch và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gắn với kế hoạch đào tạo cán bộ trong nước thay thế.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung hoàn thiện quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng của các quy hoạch được phê duyệt và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch phục vụ đầu tư phát triển. Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư (XTÐT) cũng cần gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội quốc gia; có sự điều phối thống nhất trong cả nước, tăng cường hiệu quả hoạt động XTÐT, tránh chồng chéo. Hỗ trợ các dự án đã được cấp phép triển khai kinh doanh hiệu quả là hình thức “XTÐT tại chỗ” thiết thực.
Thủ tướng lưu ý phải hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng phát huy sáng tạo gắn với trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường phối hợp ngăn ngừa những sơ hở, gây tác hại về kinh tế, môi trường. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nhanh chóng hoàn thiện dự thảo để sớm ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ÐTNN thời gian tới nhằm thu hút làn sóng đầu tư mới vào nước ta. Thủ tướng cam kết Chính phủ cùng các nhà đầu tư sẽ chung tay, chia sẻ lợi ích để thành công.
Nhandan
Ý kiến ()