Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu
Theo Báo cáo khảo sát, đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp (chiếm 10% thời gian làm thủ tục xuất, nhập khẩu) đã giảm 1%; kiểm tra thực tế hàng hóa (18%) giảm 3%; thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (29%) giảm 2%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ những phản hồi từ doanh nghiệp, mong muốn nhận được sự hỗ trợ hơn nữa từ phía cơ quan hải quan trong việc giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Bởi hiện nay, chính sách, pháp luật về hải quan hay thay đổi khiến doanh nghiệp không kịp cập nhật. Bên cạnh đó, một bộ phận công chức hải quan vẫn còn tự ý yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ ngoài quy định.
Hơn nữa, sự phối hợp của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan chưa tốt. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nhưng chậm được cải cách do các bộ, ngành chậm sửa đổi văn bản pháp luật, cải cách thủ tục về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng. Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được các cơ quan này thực hiện trên mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa, có nhiều trường hợp phải gửi về Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Phương tiện kỹ thuật, máy móc, thiết bị còn thiếu và yếu, đưa ra kết luận chậm, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Ðể tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất, nhập khẩu, cơ quan hải quan cần sớm phối hợp các bộ, ngành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng cần sớm được ban hành. Tiếp tục phối hợp hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Duy trì, giám sát và vận hành hệ thống VNACCS/VCIS ổn định, an ninh, an toàn. Ðồng thời, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa, phương tiện tại cảng biển, hàng không. Mở rộng việc triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-Payment). Ðẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Ðào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính cho công chức hải quan các cấp, nhất là đội ngũ công chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính là việc làm cần thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp, tiếp tay cho sai phạm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()