Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp
Đây là một trong những mục tiêu được nhấn mạnh trong Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 24/7, tại Hà Nội.
Hình ảnh tại buổi hội thảo (Nguồn: A.N) |
Trên thực tế, hiện nay, có khá nhiều luật chuyên ngành, mà hiểu theo đúng nghĩa là luật về ngành cụ thể, do các Bộ trực tiếp soạn thảo (không phải luật chuyên ngành của một ngành luật). Những luật này chứa một hoặc một số điều, quy định liên quan đến luật doanh nghiệp, như điều chỉnh việc thành lập, quản trị, tổ chức lại hoặc giải thể của doanh nghiệp. Thực tế này khiến Luật Doanh nghiệp vừa chồng chéo nhưng đôi khi lại thiếu, ảnh hưởng đến việc thực thi một cách hiệu quả của luật. Do vậy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng như trong quá trình áp dụng luật thì những luật chuyên ngành có nội dung về việc thành lập, quản trị, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp khác với Luật Doanh nghiệp thì vẫn áp dụng Luật Doanh nghiệp, trừ Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, Viện đề nghị cần thiết phải rà soát các luật về ngành để bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định trái với Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, mục tiêu của việc sửa đổi còn mong muốn đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn và an toàn hơn, qua đó hấp dẫn hơn cho nhà thầu và tăng cường thu hút, huy động tốt hơn mọi nguồn lực, vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thể chế hóa đầy đủ nội dung và tinh thần điều 14 và 33 Hiến pháp 2013; Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp…
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng khẳng định, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có bước nhảy vọt về tư duy pháp luật khi hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh, thuận lợi hóa thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp cùng với việc các quy định được soạn thảo một cách cụ thể, rõ ràng hơn.
TS Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra một thay đổi đột phá trong dự thảo luật đó là quy định trong việc đăng ký kinh doanh. Dự thảo Luật đã chuyển doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì đã đăng ký sang được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia kinh doanh cũng như giảm rủi ro thương mại, rủi ro pháp lý và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hết tiềm năng của mình.
Tuy nhiên, trong hội thảo, cũng có đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vẫn còn nặng việc tạo điều kiện cho các chủ thể trong xã hội tham gia kinh doanh, tạo thủ tục thuận lợi cho thành lập doanh nghiệp mà chưa chú ý nhiều đến việc giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài, bền vững. Đặc biệt, quy định về doanh nghiệp xã hội trong dự thảo còn chưa rõ về mô hình hoạt động cũng như chưa hợp lý trong quy định không phân chia lợi ích. Trên cơ sở đó các đại biểu đã cùng góp ý để đóng góp vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()