Tạo thế vững chắc và linh hoạt tác chiến
Nhờ chọn đúng mục tiêu, tạo thế trận vững chắc và vận dụng chiến thuật linh hoạt nên trận tiến công quân địch ở điểm cao 560 và dãy Kim Sắc diễn ra ngày 21 và 22-3-1975 đã giành thắng lợi.
Đây là trận đánh then chốt, quan trọng trong Chiến dịch Trị Thiên-Huế mùa xuân 1975.
Trước hết, ta chọn đúng mục tiêu đánh trận then chốt chiến dịch. Căn cứ vào tình hình địch, địa hình và khả năng tác chiến của ta, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định chọn mục tiêu chủ yếu đánh trận then chốt là ở khu vực điểm cao 560 và dãy Kim Sắc (gồm các điểm cao: 312, 310, 329 và bình độ 275) thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là nơi phòng thủ giữ vai trò quan trọng, án ngữ Đường 1, ngăn lực lượng ta phát triển từ phía đông Lương Điền đến đông nam Phú Lộc. Tại đây, địch có 2 Tiểu đoàn 60 và 61 biệt động đóng giữ. Đánh chiếm được điểm cao 560 và dãy Kim Sắc ta sẽ nhanh chóng cắt đứt hoàn toàn giao thông chiến lược trên Đường 1, chia cắt giữa Huế và Đà Nẵng, tạo thế có lợi cho ta.
Thắng lợi trận tiến công ở khu vực điểm cao 560 và dãy Kim Sắc là tiền đề quan trọng để quân ta giải phóng Huế, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu |
Hai là, tạo lập thế trận vững chắc để đánh trận then chốt. Để đánh trận then chốt này, ta tận dụng tốt thế trận sau đợt 1 chiến dịch (từ ngày 5 đến 20-3-1975) tạo ra. Thắng lợi của ta trong đợt 1 chiến dịch đã mở ra một thế trận mới, địch phải co cụm lực lượng, vội vã tổ chức lại hệ thống phòng thủ mới để giữ địa bàn còn lại ở Thừa Thiên Huế.
Trước tình thế chiến trường chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Sư đoàn Bộ binh 325 thuộc Quân đoàn 2, tiến công tiêu diệt quân địch trong khu vực từ đông cầu Truồi đến bắc Bạch Mã, nhằm cắt đứt Đường 1, đoạn Hương Điền-Phú Lộc; tiếp đó đánh bại địch phản kích đến từ Huế và Đà Nẵng, cô lập hoàn toàn quân địch ở Thừa Thiên Huế, không cho địch quay về Đà Nẵng cố thủ.
Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2), từ Quảng Trị hành quân vào làm lực lượng dự bị; còn các hướng khác của chiến dịch, ta đẩy mạnh tiến công phối hợp nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở Thừa Thiên Huế, trong đó có lực lượng địch ở khu vực điểm cao 560 và dãy Kim Sắc. Trung đoàn 101 tiến công trên hướng thứ yếu, có nhiệm vụ tiêu diệt tiểu đoàn 60 biệt động quân ở dãy Kim Sắc. Như vậy, ta đã tận dụng được thế trận mới về chiến lược tác động đến thế và lực của chiến dịch để tạo thế vững chắc cho trận đánh then chốt này.
Ba là, vận dụng chiến thuật linh hoạt, phù hợp với cách đánh của ta trong quá trình tác chiến. Theo kế hoạch, 5 giờ 50 phút ngày 21-3-1975, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiến công địch. Trên hướng tiến công chủ yếu, các mũi tiến công của ta đánh mạnh, thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt gọn tiểu đoàn 61 địch, đánh chiếm các điểm cao: 494, 520, 560. Ở hướng tiến công thứ yếu, sau nhiều lần đột phá, ta phát triển tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 60 ở dãy Kim Sắc (trừ điểm cao 329), đập tan hệ thống phòng ngự án ngữ phía tây Đường 1, đoạn từ nam Lương Điền đến bắc Phú Lộc.
Phát huy thắng lợi, bộ đội ta tiến xuống đánh cắt Đường 1. Ta tổ chức 3 mũi tiến công tiêu diệt đồn Dàn Bò, sau đó phát triển đánh chiếm đồn Bạch Thạch; tiếp đó, đánh bại quân địch phản kích từ Đá Bạc và điểm cao 200 xuống. Đến 11 giờ ngày 22-3, ta hoàn toàn làm chủ Đường 1, đoạn từ Bạch Thạch đến Dàn Bò (dài 4km), cắt đứt tuyến giao thông đường bộ giữa Huế và Đà Nẵng, khiến quân địch lâm vào tình trạng hoang mang, rối loạn.
Trận tiến công tiêu diệt địch ở khu vực điểm cao 560 và dãy Kim Sắc mở ra thời cơ hết sức thuận lợi cho các lực lượng chiến dịch hợp vây, tiêu diệt toàn bộ quân địch trên địa bàn Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đặc biệt là tiến công giải phóng TP Huế, tạo ra thế thuận lợi cho quân ta tiếp tục tiến công giải phóng Đà Nẵng.
Ý kiến ()