Tạo "thế và lực" cho hàng nông sản Hậu Giang
Hậu Giang là tỉnh thuần nông, có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... thích hợp cho phát triển đa dạng chủng loại nông sản nhiệt đới và bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với nhiều loại nông sản có phẩm chất ngon, mang tính đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh, quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp.
Hậu Giang là tỉnh thuần nông, có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu… thích hợp cho phát triển đa dạng chủng loại nông sản nhiệt đới và bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với nhiều loại nông sản có phẩm chất ngon, mang tính đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh, quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp.
Tiềm năng nông nghiệp vẫn chưa được phát huy
Hậu Giang có diện tích gieo trồng lúa hằng năm hơn 200 nghìn ha, sản lượng ổn định từ 1,1 đến 1,2 triệu tấn/năm. Cây mía đã có vùng nguyên liệu với diện tích lớn (hơn 14 nghìn ha), năng suất cao so các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Tuy nhiên, thực tế sự phát triển còn thiếu tính ổn định, vì người dân luôn gặp khó bởi đầu ra. Diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt hơn 26 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 202.840 tấn. Nhiều loại nông sản như: bưởi năm roi Phú Thành, bưởi hồ lô Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, xoài cát Hòa Lộc, chanh không hạt, khóm (dứa) cầu Ðúc, cá thát lát, cá rô Hậu Giang… rất nổi tiếng, được nhiều nơi biết đến. Một số loại cây ăn trái như chanh không hạt, bưởi năm roi, khóm cầu Ðúc… bước đầu được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Hiện tỉnh đã có sáu loại nông sản được công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh trong vùng ÐBSCL, nhưng từ khi có chỉ dẫn địa lý thì các loại nông sản này gần như dậm chân tại chỗ, quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp lại, vì đầu ra, giá cả còn bấp bênh.
Diện tích trồng bưởi năm roi Phú Thành từ 3.000 ha năm 2010 đến nay giảm xuống chỉ còn 1.600 ha; cây khóm giảm từ 2.500 ha xuống còn 1.680 ha. Giảm mạnh nhất có lẽ là con cá rô Hậu Giang, hiện chỉ còn khoảng hơn 100 ha, giảm gần ba phần tư diện tích so với thời hoàng kim. Cá thát lát cườm hiện đang có giá (70 nghìn đồng/kg), nhưng người dân chưa dám đầu tư thả nuôi vì sợ giá lên xuống thất thường. Anh Phạm Ðình Sáng ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy cho biết: “Hiện hầu hết hộ nuôi cá thát lát đều mang tính nhỏ lẻ, diện tích thả nuôi giảm gần phân nửa so với năm 2008. Bên cạnh đó, thông thường một năm người dân có thể nuôi ba lứa cá thì nay đã giảm xuống chỉ còn từ một đến hai vụ. Do chưa có đầu ra ổn định, cho nên bà con chưa dám phát triển mạnh con cá này”.
Ở Hậu Giang có lúc những loại nông sản này phát triển với số lượng rất nhanh, dẫn đến nguồn cung dư thừa. Mặc dù, Hậu Giang đã có quy hoạch phát triển từng loại cây trồng, vật nuôi nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch còn khá chậm chạp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hậu Giang Nguyễn Văn Ðồng nhìn nhận: Thời gian qua, việc phát triển nông sản của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh, đó là: sản xuất nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch và định hướng thị trường; cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, tập trung chưa đáp ứng phục vụ sản xuất; việc áp dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; mối liên kết bốn nhà chưa chặt chẽ; đầu tư phát triển nhãn hiệu nông sản cũng chưa được đẩy mạnh…
Những bệ phóng cho hàng nông sản Hậu Giang
Xét về tiềm năng, lợi thế so sánh, những mặt hàng nông sản của Hậu Giang có khả năng cung ứng với sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh, để phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh đó, cần phải tạo “thế và lực” làm bệ phóng cho hàng nông sản của tỉnh phát triển. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng vừa thông qua Chương trình Phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020. Chương trình này nhằm xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung nông sản chủ lực theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu, kênh tiêu thụ để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng hiệu quả sản xuất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn.
Theo đó, Hậu Giang đã xác định mười nông sản chủ lực của tỉnh gồm: lúa, mía, cam sành, bưởi, chanh không hạt, khóm, xoài cát, quýt đường, cá thát lát, cá rô đồng đưa vào chương trình. Mục tiêu của chương trình này là: Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng lớn, ổn định; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất tiến bộ. Hoàn thiện quy trình sản xuất của từng loại nông sản chủ lực. 80% số nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; có từ 10 đến 15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; từ 70 đến 80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ dùng lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương hơn 80%; nhóm cây ăn quả có múi, mía, rau màu, khóm sử dụng từ 90 đến 100% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; bảo đảm hơn 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao. Xây dựng hoàn thành mười nhãn hiệu nông sản nêu trên, trong đó có ba đến năm loại nông sản là bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng vốn đầu tư cho chương trình gần 1.900 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 586.300 triệu đồng (chiếm 30,86%), vốn dân 1.313.400 triệu đồng (gồm vốn tự có và vốn tín dụng).
Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Ðồng cho biết thêm: Năm 2014, chương trình này sẽ được khởi động. Tại kỳ họp HÐND tỉnh vào cuối năm nay sẽ thông qua một số chính sách hỗ trợ để thực hiện sáu giải pháp mà chương trình đã đề ra. Trong đó chú trọng giải pháp xây dựng và đổi mới quy trình sản xuất (giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến), khâu tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Về đầu ra sản phẩm, tỉnh xác định chỉ một phần đưa vào siêu thị, chủ yếu là tiêu thụ ở các điểm thu gom (chợ đầu mối). Qua khảo sát, tỉnh có năm điểm thu gom hàng nông sản tư nhân đã hình thành từ lâu, để có thể đầu tư xây dựng thành chợ đầu mối, như ở Châu Thành, Ngã Bảy, Cầu Cái Tư (TP Vị Thanh), Phương Bình (huyện Phụng Hiệp) và thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy). Ngoài ra, có thể mở các đại lý ở các trung tâm đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội… nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa nông sản Hậu Giang về lâu dài…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()