Tạo sức lan tỏa
LSO-Sau nhiều năm triển khai thực hiện phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh, đến nay phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng, gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, giúp hàng nghìn bệnh nhân được cứu sống và chữa bệnh kịp thời. Từ phong trào đã thu hút được đông đảo tình nguyện viên tham gia, có nhiều trường hợp hiến máu từ 10 lần trở lên.
Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện trong ngày hội “Giọt hồng Xứ Lạng – năm 2017” |
Cứu người là trên hết
Từ lần hiến máu tình nguyện năm 1990 cho đến nay, bà Tô Bích Thủy, khối 8, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã có trên 30 lần hiến máu tình nguyện và là tình nguyện viên tích cực trong công tác vận động hiến máu tình nguyện của địa phương. Bà Tô Bích Thủy cho biết: Năm 1990, tôi đang chăm sóc con tại Bệnh viện Bạch Mai, tận mắt chứng kiến các bệnh nhân thiếu máu rất nguy hiểm đến tính mạng rồi được người khác cho máu và qua khỏi cơn nguy kịch, cứu được mạng sống. Chính từ đó, tôi đã tìm cách liên hệ với bệnh viện để được hiến máu. Tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã hiến máu tình nguyện 15 lần. Sau khi về Lạng Sơn, tôi chủ động liên hệ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được hiến máu cứu người. Có những lần bệnh viện gọi điện cho tôi lúc nửa đêm để vào viện tiếp máu cho bệnh nhân. Với trách nhiệm là thành viên ngân hàng máu sống của bệnh viện, tôi đã không ngần ngại vào viện tiếp máu và tôi rất vui vì sau đó biết rằng giọt máu của mình đã giúp được người bệnh qua cơn nguy kịch. Mặc dù đã gần tuổi 70 nhưng bệnh nhân nào cần máu mà sức khỏe tôi cho phép, tôi sẽ tiếp tục hiến máu cứu người.
Cùng với lòng nhiệt huyết hiến máu cứu người, bà Thủy còn là tình nguyện viên năng nổ tuyên truyền trong công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện. Bởi theo bà Thủy, hiến máu cứu người là trên hết, hiến máu là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người.
Cần mở rộng đối tượng hiến máu
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng người hiến máu trên 10 lần xuất hiện ngày càng nhiều. Dòng họ hiến máu, các nhóm thiện nguyện, câu lạc bộ hay ngân hàng máu sống cũng ngày càng nhiều. Do vậy, hằng năm đã dần khắc phục được tình trạng khan hiếm máu tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Bệnh nhân đã được tiếp máu kịp thời để phục vụ công tác điều trị, cứu chữa qua khỏi cơn nguy kịch. Tính riêng 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm toàn tỉnh tiếp nhận trên 2.000 đơn vị máu trở lên, luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao từ 110 – 120% trở lên.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hiện nay các đối tượng tham gia hiến máu chủ yếu vẫn là đối tượng đoàn viên thanh niên và cán bộ, công nhân viên chức. Phong trào hiến máu vẫn chưa trở thành phong trào rộng rãi trong toàn dân. Nhất là hiện nay số người hiến máu mới qua các năm có tăng nhưng với số lượng không đáng kể, chủ yếu lượng máu tiếp nhận từ những người đã từng hiến máu, thậm chí là hiến máu nhiều lần, số người hiến máu lại hằng năm chiếm khoảng 70%. Tỷ lệ người hiến máu còn thấp, chưa đến 1% so với dân số toàn tỉnh.
Bà Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Thời gian tới, hội sẽ tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện. Đồng thời, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh sẽ tích cực tổ chức các ngày hội hiến máu điểm đưa về các huyện, xã nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về hiến máu tình nguyện trong nhân dân.
Năm 2017, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện giao chỉ tiêu cho Lạng Sơn 2.500 đơn vị máu. Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trên, các cấp hội chữ thập đỏ cần xác định nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tình nguyện viên về mục đích hiến máu tình nguyện, quyền lợi của người tham gia hiến máu, lợi ích thiết thực của việc hiến máu và đặc biệt cần mở rộng đối tượng tham gia hiến máu vẫn là ưu tiên hàng đầu và thực hiện thường xuyên liên tục. Với những biện pháp, giải pháp thiết thực, hy vọng rằng phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh sẽ ngày càng tạo sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()