Tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Mặc dù thời gian qua nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả ngoạn mục trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, không thỏa mãn với thành quả hiện có, thành phố tiếp tục đưa ra thêm nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa hơn thủ tục đầu tư nhằm tạo sức hấp dẫn, làm vừa lòng nhà đầu tư nước ngoài.
Thu hút FDI vượt xa chỉ tiêu
Có thể khẳng định rằng, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) là điểm sáng nhất về thu hút FDI của thành phố trong năm nay khi đã được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy. Sau hơn một năm tìm hiểu về các điều kiện và chính sách đầu tư tại các địa phương khác trên cả nước, Samsung đã quyết định “chấm” SHTP. Với tinh thần trọng thị, đầu tháng 10 vừa qua, tại trụ sở chính của Samsung ở Hàn Quốc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã trao tận tay Chủ tịch Tập đoàn Samsung Giấy chứng nhận đầu tư, thành lập Công ty TNHH Ðiện tử Samsung CE Complex tại SHTP. Dự án Samsung CE Complex có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng các nhà máy sản xuất những sản phẩm điện tử gia dụng công nghệ cao (ti-vi thông minh 3D, máy giặt ứng dụng công nghệ cao,…) mang nhãn hiệu Samsung. Bên cạnh đó, điểm nổi bật của dự án là thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển các chương trình và phần mềm ứng dụng cho những dòng sản phẩm điện tử. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2015 và đi vào hoạt động trong quý II-2016. Ðây là dự án thứ hai đầu tư tới hàng tỷ USD tại SHTP, sau dự án một tỷ USD của Tập đoàn Intel vào năm 2006. Dự án của Samsung được kỳ vọng sẽ góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của thành phố, gia tăng giá trị sản xuất nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, đồng thời nâng cao trình độ đội ngũ kỹ thuật, nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của thành phố trong thời gian tới.
Tính cả dự án nêu trên của Samsung, từ đầu năm đến nay, Ban quản lý SHTP đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho chín dự án FDI với tổng vốn đạt hơn 1,629 tỷ USD, tăng hơn 1.400% so cùng kỳ, vượt tới 1.160% so kế hoạch cả năm. Trong đó, cấp giấy chứng nhận mới cho bốn dự án với số vốn đăng ký hơn 1,54 tỷ USD (trong khi cả năm 2013 chỉ cấp mới được hai dự án với số vốn đăng ký 75,2 triệu USD). Các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) thì hoàn thành chỉ tiêu thu hút vốn FDI cả năm (550 triệu USD), hoàn thành kế hoạch trước bốn tháng. Còn theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 11, trên địa bàn thành phố có 360 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2,785 tỷ USD, dự án tuy giảm chút ít về số lượng, nhưng tăng vọt về “chất”, với tổng vốn đăng ký tăng tới 195,56% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, có 121 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 364,8 triệu USD. Như vậy, nếu tính chung cả cấp mới và tăng thêm, tổng vốn FDI đạt gần 3,15 tỷ USD, tăng hơn 97% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 25,6% (kế hoạch đề ra là 2,5 tỷ USD). Không những vậy, điều đáng mừng là lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn dẫn đầu với số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,646 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn. Tỷ lệ giải ngân vốn FDI cũng khá cao. Tính đến hết tháng 9 vừa qua, vốn FDI giải ngân gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ; dự kiến cả năm, sẽ giải ngân hơn 51 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2013.
Thông thoáng và minh bạch hơn
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh, những kết quả thu hút FDI trong thời gian qua thể hiện niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư và cam kết mạnh mẽ của thành phố trong nỗ lực thu hút FDI, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao. Trong một lần gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Thái Văn Rê tâm sự: Trong suốt những năm qua FDI luôn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đưa vốn vào thành phố mà còn mang theo công nghệ, kỹ thuật, phương thức và bí quyết kinh doanh. Vì thế, có thể khẳng định, sự tâm huyết và gắn bó của các nhà đầu tư là yếu tố quan trọng góp phần làm cho TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố văn minh, hiện đại,… Không phải ngẫu nhiên dòng vốn FDI lại “chảy” vào thành phố một cách mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chủ động đề ra và tích cực triển khai nhiều giải pháp phù hợp. Các KCX và KCN đã được chuẩn bị 408 ha đất và hơn 67.400 m2 nhà xưởng đạt tiêu chuẩn để phục vụ nhà đầu tư tại các KCN: Tân Phú Trung, Ðông Nam, An Hạ, Hiệp Phước (giai đoạn 2) và KCX Tân Thuận. Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCX-KCN thành phố tăng cường phối hợp các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư về nhiều mặt, nhất là hải quan; cải tiến quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện cấp phép đầu tư qua mạng, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ nhà đầu tư. Ðồng thời, cũng tăng cường phối hợp các ngân hàng thương mại hỗ trợ các DN đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao sức cạnh tranh,…
Ðến thời điểm này, mặc dù đã vượt chỉ tiêu thu hút vốn FDI trong năm nay, nhưng không vì thế mà lãnh đạo và các ngành liên quan của thành phố “say sưa” với thành tích. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Ðến nay, thời gian giải quyết một hồ sơ đầu tư chậm nhất là 172 ngày, nhanh nhất là chín ngày, tính trung bình 47 ngày/hồ sơ, giảm khoảng 30% so với trước. Hiện, Sở đang phối hợp Bưu điện thành phố xây dựng quy trình giao kết quả hồ sơ đầu tư tại nhà để giảm thời gian đi lại cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, dự kiến, trong tháng 12 tới, các hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư tại TP Hồ Chí Minh sẽ được “gắn chip” để theo dõi, quản lý. Sang đầu năm 2015, Sở tiếp tục áp dụng quy trình liên thông trong việc xử lý hồ sơ đầu tư; trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ thuế và con dấu cùng lúc, tạo thuận lợi cao nhất cho nhà đầu tư. Trưởng Ban quản lý SHTP Lê Hoài Quốc cho biết: Nhằm thực hiện các cam kết về liêm chính và minh bạch, Ban quản lý SHTP đã ký kết với 19 DN (trong đó có 13 nhà đầu tư FDI) thỏa thuận về lĩnh vực này trong kinh doanh. SHTP cũng ký bản ghi nhớ cùng phối hợp triển khai công tác tăng cường liêm chính trong kinh doanh với Cơ quan đầu mối quốc gia tại Việt Nam của Tổ chức Minh bạch thế giới. Cùng với đó, SHTP đã công khai và minh bạch các thủ tục hành chính trên website và tại nơi làm việc, sử dụng phần mềm quản lý thông tin DN, phần mềm tiếp nhận ý kiến của DN, xây dựng diễn đàn đạo đức kinh doanh, tổ chức tiếp DN vào chiều thứ sáu hằng tuần, đối thoại định kỳ vào mỗi quý. Ban quản lý SHTP đã chủ động liên kết, phối hợp các tổ chức quốc tế liên quan để xây dựng và tuyên truyền các chương trình tập huấn, chia sẻ những kinh nghiệm, từng bước nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại SHTP và các đơn vị liên quan để góp phần từng bước cùng DN xây dựng các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường sự kiểm soát nội bộ và minh bạch.
Trong buổi đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà đã cam kết thường xuyên gặp gỡ đối thoại, chia sẻ với các nhà đầu tư, cùng chuẩn hóa bộ hồ sơ cấp phép đầu tư với quan điểm những gì không cần thiết sẽ kiên quyết loại bỏ, những gì luật, nghị định không quy định thì cơ quan chức năng liên quan không được phép yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ quan cấp phép sẽ công khai tất cả hồ sơ trên mạng, cập nhật trạng thái hồ sơ từng ngày để nhà đầu tư biết và theo dõi quá trình giải quyết.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()