Tạo sự chuyển biến trong tái cơ cấu ngân hàng
Sau gần hai năm triển khai đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, đến nay các ngân hàng được tái cơ cấu đã có sắc diện mới, năng lực tài chính được cải thiện, nguy cơ mất an toàn hệ thống được đẩy lùi... Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, các ngân hàng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong tiến trình tái cơ cấu để có thể đạt được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong toàn bộ hệ thống.
Hợp nhất, sáp nhập ngân hàng
Bước đi đầu tiên của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng có thể được đánh dấu bằng động thái khoanh vùng nhóm TCTD yếu kém của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sau khi xác định chín ngân hàng yếu kém cần cơ cấu lại (bao gồm: SCB, Ðệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank), NHNN đã tiến hành các biện pháp kiểm soát tình hình hoạt động của các ngân hàng này. Ðồng thời, phối hợp các bộ, ngành, địa phương phê duyệt và chỉ đạo triển khai quyết liệt phương án cơ cấu lại đối với từng ngân hàng.
SCB là một trong những ngân hàng đầu tiên thực hiện tái cơ cấu. Theo Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn, quá trình tái cấu trúc của SCB thời gian qua đã theo đúng định hướng của NHNN và đạt được những thành quả nhất định, góp phần ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng, tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Ðến nay, SCB đã trả được toàn bộ tái cấp vốn hơn 20.000 tỷ đồng cho NHNN, cân bằng được trạng thái vàng, cơ cấu lại bảng cân đối kế toán theo hướng an toàn, hiệu quả hơn…
Tương tự, sau khi sáp nhập ngân hàng Habubank vào ngân hàng SHB, Chủ tịch HÐQT Ngân hàng SHB Ðỗ Quang Hiển cho biết: Ðánh giá lại cả quá trình nhận, sáp nhập vừa qua, SHB đã thực hiện được những bước đi đúng, hoàn chỉnh và phù hợp năng lực cũng như chiến lược của ngân hàng.
Nhìn lại chặng đường hai năm tái cơ cấu hệ thống các TCTD, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: Hệ thống ngân hàng đã được tái cấu trúc khá hiệu quả. Ðây cũng là lĩnh vực được tái cấu trúc mạnh mẽ nhất và dễ nhận thấy nhất, so với hai lĩnh vực khác là tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Còn theo TS Vũ Ðình Ánh, sau gần hai năm triển khai quyết liệt quá trình cơ cấu lại, nhìn chung hoạt động của hệ thống ngân hàng bảo đảm an toàn và có bước phát triển. Năng lực tài chính của các ngân hàng được cải thiện, an toàn hệ thống các TCTD được bảo đảm; nguy cơ đổ vỡ, mất an toàn hệ thống được đẩy lùi; khả năng chi trả của các TCTD bảo đảm; tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, kể cả ở các ngân hàng thương mại yếu kém.
Diện mạo mới của TP Bank sau khi thực hiện tự cơ cấu lại.
Tuy nhiên, có thể thấy, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị. Phó Chủ tịch HÐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Ðức Hưởng thẳng thắn chia sẻ, tái cơ cấu chỉ có hiệu quả sau khi việc mua bán, sáp nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ. Phần lớn các ngân hàng được tái cơ cấu vừa qua đã có sắc diện mới, chủ trương tái cơ cấu các TCTD bước đầu có hiệu quả khi tổ chức mạnh mua tổ chức yếu. Song, phải thừa nhận một thực tế, tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở “bình mới rượu cũ”, chưa có sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng, cũng như phương thức hoạt động.
Xử lý nợ xấu và sở hữu chéo
Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng sau hai năm thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng để tiến trình này đạt tiến độ cũng như mục tiêu đề ra (như đến năm 2015, Việt Nam có một hệ thống ngân hàng lành mạnh, sẽ có từ một đến hai ngân hàng đủ thực lực để hoạt động ở tầm khu vực, có quy mô khoảng 50 tỷ USD…), ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nợ xấu vẫn ở mức cao đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn để xử lý; sở hữu chéo phức tạp, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế… Ðây chính là những rào cản làm chậm quá trình tái cơ cấu các ngân hàng.
Ðề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này khó có thể thực hiện được bởi cho đến nay, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu.
Năm 2013, mặc dù tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không đạt mức kỳ vọng, theo đó lợi nhuận và các chỉ tiêu tài chính đều thấp hơn trước đây, nhưng các ngân hàng vẫn buộc phải trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu. Theo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (NHNN), tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và mười tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng. Ðặc biệt, sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã giúp các TCTD giảm nhanh nợ xấu, làm sạch bảng cân đối kế toán, lành mạnh hóa tình hình tài chính. Tính đến ngày 31-12-2013, VAMC đã mua lại 38.900 tỷ đồng nợ gốc từ 35 TCTD, tương đương 14.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt mà VAMC sẽ phát hành của 21 ngân hàng.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11-2013, quy mô nợ xấu toàn hệ thống còn cao đang đặt ra những thách thức không chỉ về các giải pháp điều hành, mà đòi hỏi còn cần phải có một nguồn lực tài chính rất lớn mới có thể xử lý. Các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD thời gian qua mặc dù đã mang lại những kết quả tích cực nhưng vẫn chưa bảo đảm nợ xấu của các TCTD được xử lý một cách vững chắc, triệt để. Cũng như chưa ngăn chặn được hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại.
Theo TS Tô Ánh Dương (Viện Kinh tế Việt Nam), sau hai năm triển khai tái cơ cấu, tốc độ tăng nợ xấu tuy có giảm nhưng quy mô vẫn lớn và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản. Công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, như: Ðiều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường chưa thuận lợi, sức tiêu thụ hàng hóa còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp; thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường tài chính trì trệ làm cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ chưa tiến triển; bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn đầu tư tài chính bên ngoài, làm cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm khó khăn hơn…
Ngoài nợ xấu, một trong những thách thức của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng là xử lý vấn đề sở hữu chéo giữa các TCTD. TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Sở hữu tại các ngân hàng thương mại mới chỉ được cơ cấu một bước nhỏ. Vì thế, thách thức trong hai năm tới đối với hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn khá lớn. Ðể việc triển khai tái cơ cấu thời gian tới thành công, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất: Cần khoanh vùng, tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo. Bổ sung luật các TCTD về sở hữu và chế tài xử lý vi phạm. Ðồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến góp vốn vào ngân hàng và có chế tài nghiêm về vi phạm lĩnh vực này.
Thừa nhận sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD ở Việt Nam đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, việc xử lý sở hữu chéo phải thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD. Theo đó, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD để một mặt, đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan…
Theo các chuyên gia kinh tế cũng như một số lãnh đạo NHNN, quá trình tái cơ cấu ngân hàng vẫn chưa đạt được một số kết quả như mong đợi bởi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các TCTD nói chung chưa hoàn thiện. Việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý các TCTD yếu kém đòi hỏi phải nhanh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong khi đây lại là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định. Cơ chế, quy định trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn bất cập tạo ra những chi phí đáng kể đối với ngân hàng, đồng thời kéo dài thời gian thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Thiếu nguồn lực tài chính công để hỗ trợ xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống TCTD cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình cơ cấu lại TCTD… Nếu khắc phục được những khó khăn, vướng mắc này thì mới có thể đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()