Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng ở ngoài nước
Trong những năm qua, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng tạo điều kiện cho công tác Đảng ngoài nước thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Kết thúc năm 2011, đồng chí Trương Mạnh Sơn - Bí thư Đảng ủy Ngoài nước, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác Đảng ngoài nước trong thời gian qua.Phóng viên (PV):Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác Đảng ngoài nước năm 2011 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng ? Đồng chí Trương Mạnh Sơn: Hội nghị Công tác Đảng ngoài nước diễn ra trong 2 ngày 8-9/12/2011 vừa qua đã đánh giá về kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng nói chung và năm 2011 nói riêng là hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, biến động ở một số nơi có lúc rất nhanh chóng, khó...
Trong những năm qua, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng tạo điều kiện cho công tác Đảng ngoài nước thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Kết thúc năm 2011, đồng chí Trương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy Ngoài nước, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác Đảng ngoài nước trong thời gian qua.
Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác Đảng ngoài nước năm 2011 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng ?
Đồng chí Trương Mạnh Sơn:Hội nghị Công tác Đảng ngoài nước diễn ra trong 2 ngày 8-9/12/2011 vừa qua đã đánh giá về kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng nói chung và năm 2011 nói riêng là hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, biến động ở một số nơi có lúc rất nhanh chóng, khó lường. Ngay trong năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày càng trầm trọng, sự nổi lên của các nước BRICS, những biến động chính trị to lớn tại Bắc Phi – Trung Đông, thảm họa kép tại Nhật Bản và gần đây nhất là những biến động trên chính trường Nga…đã và đang tác động nhiều chiều tới hoạt động đối ngoại và công tác Đảng ngoài nước.
Năm năm qua, các cấp ủy ở ngoài nước đã lãnh đạo đảng viên và quần chúng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng ở ngoài nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Các cấp ủy đảng tích cực trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền đối ngoại, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin tình hình trong nước và pháp luật nước sở tại, nâng cao nhận thức cho đảng viên, quần chúng. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở ngoài nước qua 4 năm triển khai với 21 nội dung cụ thể đã làm chuyển biến về nhận thức, hành động đối với phần lớn cán bộ, đảng viên từ học tập sang làm theo; đã xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là cán bộ, đảng viên trong và ngoài cơ quan đại diện, lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước. Một số nội dung Cuộc vận động có tác động tuyên truyền, ý nghĩa chính trị sâu sắc như: Hội thi kể chuyện về Bác (2009); Hội nghị gặp mặt, giao lưu các điển hình tiên tiến (2009), Cuộc vận động sáng tác, sưu tầm tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở ngoài nước (2010)…
Công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước từng bước được chấn chỉnh và đi vào nề nếp. Đa số đảng viên ra ngoài nước được sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở. Số đảng viên sinh hoạt lẻ giảm đáng kể. Các đảng ủy, chi ủy nước đã chú ý ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, giữ mối liên hệ với đảng viên. Hàng năm, các đảng bộ ngoài nước kết nạp khoảng 300 đảng viên mới. Một số đảng bộ xây dựng quy chế làm việc, đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm cấp ủy viên và Thủ trưởng cơ quan đại diện.
Nhiều nơi làm tốt công tác tập hợp, vận động quần chúng hướng về quê hương, đất nước; tổ chức sơ kết 3 năm, 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài. Ở hầu hết các địa bàn và trường đại học có đông lưu học sinh Việt Nam, đều có hội sinh viên hoặc tổ chức Đoàn; đã thành lập hơn 300 chi đoàn ở ngoài nước với trên 6.000 đoàn viên.
Điểm mới trong công tác năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống công tác Đảng ngoài nước; Đảng ủy Ngoài nước tập trung hướng về cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng ở ngoài nước. Công tác quản lý đảng viên thời kỳ hội nhập được đẩy mạnh. Đảng ủy Ngoài nước đã tổ chức các đoàn ra để phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI cho các chi đảng bộ ngoài nước; phát động đảng viên, quần chúng ngoài nước hưởng ứng Cuộc vận động “hướng về Trường Sa, hướng về biển đảo của Tổ quốc thân yêu”. Tính đến nay, đã có 43 nước có ủng hộ cho Cuộc vận động.
PV: Thưa đồng chí, trong 5 năm qua, tổ chức đảng, đảng viên ra nước ngoài ngày càng tăng về số lượng. Vậy việc quản lý và bố trí sinh hoạt cho đảng viên chắc sẽ gặp những khó khăn ?
Đồng chí Trương Mạnh Sơn:Cùng với tiến trình đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tổ chức đảng và đảng viên ở ngoài nước có sự phát triển nhanh. Trong 5 năm qua, số lượng đảng viên tăng cao (khoảng 30%). Đảng bộ Ngoài nước đã củng cố và duy trì được hệ thống tổ chức đảng đặc thù. Tuy nhiên, các đảng bộ ở ngoài nước thường xuyên có những biến động về số lượng đảng viên và tổ chức đảng, có thêm nhiều loại hình tổ chức và địa bàn mới; nảy sinh những khó khăn, phức tạp mới trong công tác quản lý.
Xuất hiện nhiều loại hình tổ chức đảng và các diện đảng viên mới như: Mô hình một số cơ quan đại diện gọn nhẹ, có nơi không đủ đảng viên thành lập chi bộ, mà chỉ có tổ đảng hoặc đảng viên sinh hoạt lẻ trực thuộc Đảng uỷ Ngoài nước; mô hình chi bộ phu nhân – phu quân (theo quy định chỉ có tổ đảng), liên chi bộ lưu học sinh; đảng viên tự lập nghiệp nay đã thành chủ doanh nghiệp; đảng viên ra nước ngoài sản xuất kinh doanh nhưng chưa thực hiện chuyển sinh hoạt Đảng theo Quy định số 17- QĐ/TW của Bộ Chính trị; nhiều đảng viên là chuyên gia, lao động xuất khẩu, đặc biệt là ở các nước Đông Bắc Á, châu Phi hết hợp đồng ở lại hình thành một cộng đồng người Việt Nam mới; đảng viên làm việc trong các tổ chức quốc tế, đảng viên vùng biên thường xuyên làm ăn qua biên giới v.v…
Công tác quản lý đảng viên về mặt tổ chức phải thay đổi phương thức, bảo đảm mọi đảng viên ở ngoài nước được sinh hoạt trong một tổ chức Đảng, được quản lý và giao nhiệm vụ đảng viên. Tổ chức Đảng ở ngoài nước không có chính quyền cùng cấp, do đó có thể kết cấu linh hoạt, gọn nhẹ, cho phép tập hợp được đảng viên, giảm thiểu đảng viên sinh hoạt lẻ. Hình thức sinh hoạt linh hoạt, phát huy tính chủ động, tự giác của đảng viên. Đội ngũ cấp ủy viên giữ vai trò quan trọng bảo đảm cho tổ chức đảng thực hiện được chức năng, nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Ngày càng có nhiều trí thức trẻ có nguyện vọng gia nhập Đảng, song điều kiện để bồi dưỡng nhận thức, rèn luyện về bản lĩnh chính trị còn hạn chế.
Trong hệ thống tổ chức đảng ở ngoài nước, các tổ chức đảng trong cơ quan đại diện có điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt Đảng. Các tổ chức đảng ngoài cơ quan đại diện gặp nhiều khó khăn vì tổ chức đảng theo nơi ở, làm việc, hoạt động không công khai.
PV: Theo đồng chí, những hạn chế của công tác Đảng ngoài nước hiện nay là gì?
Đồng chí Trương Mạnh Sơn:Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Đảng ủy Ngoài nước và các cấp ủy trực thuộc đã chấp hành nghiêm túc những chủ trương của Trung ương về chuyển đổi bộ máy tổ chức, củng cố và duy trì được hệ thống tổ chức đặc thù, tuy vậy cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế.
Thứ nhất, Đảng uỷ Ngoài nước được xác định là cấp uỷ cấp trên cơ sở của các đảng bộ ba cấp, hai cấp và các chi bộ ở trên 80 nước và vùng lãnh thổ, với gần 1 vạn đảng viên; nay, đặt trực thuộc và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, thực hiện những nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Điều đó đã tạo sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng uỷ Ngoài nước.
Thứ hai, việc tiếp nhận thông tin, nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương về công tác xây dựng Đảng hạn chế, không được thường xuyên, kịp thời, nhất là các thông tin định hướng về công tác tư tưởng cho các tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước.
Thứ ba, mối quan hệ phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp ủy địa phương trong công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng ở ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư,Đảng uỷ Ngoài nước là tổ chức đảng mang tính đặc thù, vừa có chức năng lãnh đạo của cấp uỷ, vừa có chức năng tham mưu của ban Đảng. Thời gian vừa qua do không làm rõ vị trí, tính chất của cơ quan Đảng ủy Ngoài nước, còn đồng nhất cơ quan Đảng ủy (có chức năng tham mưu giúp việc) với Đảng ủy (có chức năng lãnh đạo) nên chức năng tham mưu còn hạn chế và nhiều vướng mắc trong những vấn đề của cơ quan.
Thứ năm, trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra, áp lực của công tác Đảng ngoài nước thời kỳ hội nhập là làm sao xây dựng được nguồn nhân lực cán bộ công tác Đảng ngoài nước có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
PV: Xin đồng chí cho biết, trọng tâm của công tác Đảng ngoài nước hướng vào những nội dung nào?
Đồng chí Trương Mạnh Sơn:Trước hết phải khẳng định rằng, những thành tựu công tác Đảng ngoài nước đạt được trong thời gian qua là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Thời gian tới, những khó khăn thách thức có thể có mặt còn phức tạp và khó lường hơn. Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Ngoài nước cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc về vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng ở ngoài nước, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cấp uỷ, lãnh đạo tập hợp đảng viên, quần chúng trong và ngoài cơ quan đại diện tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong giai đoạn tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Tiếp tục hướng về cơ sở, coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và làm tốt công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước thời kỳ hội nhập.
Đổi mới và tăng cường công tác thông tin, công tác chính trị, tư tưởng, đa dạng hoá hình thức giáo dục chính trị tư tưởng phù hợp, xây dựng nội dung tuyên truyền có sức thuyết phục cao, trang bị cho đảng viên và quần chúng những kiến thức để có khả năng tự đề kháng và bản lĩnh đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch; khắc phục tính hành chính trong công tác tư tưởng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở ngoài nước, đưa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống các biểu hiện tư tưởng và hành động sai trái, vi phạm đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các biểu hiện sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng, nhất là đối với lưu học sinh, lao động và bà con người Việt ở nước ngoài.
Phát huy vai trò của cấp uỷ trong việc phối hợp với Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; bảo đảm gắn kết giữa thực hiện nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế đất nước là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng nội bộ cơ quan đại diện trong sạch, vững mạnh; xây dựng hạt nhân nòng cốt trong phong trào quần chúng và cộng đồng tại địa bàn.
PV: Với tư cách là Bí thư Đảng ủy Ngoài nước, đồng chí có những đề xuất gì về công tác Đảng ngoài nước ?
Đồng chí Trương Mạnh Sơn:Theo chỉ đạo của Trung ương, năm 2013 tiến hành tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X), sẽ tổng kết đánh giá toàn diện hoạt động của Đảng uỷ Ngoài nước từ ngày thành lập đến 2013; kết hợp với kết quả tổng kết Nghị quyết số 38- NQ/TW đề xuất Trung ương về mô hình Đảng uỷ Ngoài nước trực thuộc Trung ương, theo hướng ổn định lâu dài, bảo đảm cho Đảng uỷ Ngoài nước hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trước mắt, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 38-NQ/TW và thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị (số 39-TB/TW ngày 14 tháng 6 năm 2011), Ban Bí thư đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Đảng uỷ Ngoài nước, tập trung vào giải quyết một số việc còn vướng mắc trong thời gian qua như: Về cơ chế hoạt động, chế độ chính sách, công tác cán bộ; mối quan hệ phối hợp công tác của Đảng uỷ Ngoài nước…theo đó, phân định rõ những việc thuộc thẩm quyền Đảng uỷ Ngoài nước quyết định cho phù hợp với vị trí, tính chất của tổ chức đảng mang tính đặc thù.
Đảng ủy Ngoài nước sẽ tập trung làm tốt những vấn đề này và kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo để sớm triển khai vào thực tiễn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí ..
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()