Tạo sinh kế cho đồng bào Khmer An Giang cải thiện cuộc sống
Nghề nấu đường thốt nốt truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho bà con Khmer. Những năm qua, với hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các dự án của nhiều tổ chức dành cho đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn An Giang, đời sống bà con đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để hình thành hệ thống sinh kế hoàn chỉnh cần có sự hợp tác chặt chẽ của các ngành, các cấp, cũng như mô hình phát triển phù hợp với khả năng và nguồn lực của người dân.Đánh thức tiềm năng, nguồn nhân lựcToàn tỉnh An Giang hiện có gần 24 nghìn hộ dân tộc thiểu số, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có hơn 18 nghìn hộ, khoảng 86.600 người, chiếm tỷ lệ 75,54% tổng số người dân tộc thiểu số, sống tập trung ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.Nhiều năm qua, đời sống bà con Khmer nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang đã có bước chuyển biến tích cực. Theo nghiên cứu của Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường đại học An Giang cho thấy, tiềm năng để cải...
Nghề nấu đường thốt nốt truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho bà con Khmer. |
Đánh thức tiềm năng, nguồn nhân lực
Toàn tỉnh An Giang hiện có gần 24 nghìn hộ dân tộc thiểu số, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có hơn 18 nghìn hộ, khoảng 86.600 người, chiếm tỷ lệ 75,54% tổng số người dân tộc thiểu số, sống tập trung ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.
Nhiều năm qua, đời sống bà con Khmer nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang đã có bước chuyển biến tích cực. Theo nghiên cứu của Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường đại học An Giang cho thấy, tiềm năng để cải thiện sinh kế cho đồng bào Khmer là rất lớn, tuy nhiên, những tiềm năng đó vẫn chưa được đánh thức một cách toàn diện.
Tiềm năng đầu tiên phải kể đến những ngành nghề truyền thống của bà con. Nhiều ngành nghề TTCN, làng nghề đã được triển khai như: Đan đệm bàng (Ba Chúc, Châu Lăng…), sản xuất đường thốt nốt (Vĩnh Trung, An Cư…), dệt thổ cẩm (Văn Giáo)… Nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo (Tịnh Biên) là ngành nghề truyền thống có từ lâu đời, sản phẩm đẹp, chất lượng khá tốt. Đây là nghề có ý nghĩa vừa phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương vừa thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài. Mặt khác, các làng nghề đã hình thành các hợp tác xã với bộ khung hoàn chỉnh, bao tiêu sản phẩm đến những chính sách khôi phục làng nghề của tỉnh. Nghề làm đường thốt nốt cũng rất triển vọng. Đây là sản phẩm đặc thù, dễ sản xuất, dễ tìm nguyên liệu, có thương lái thu mua tận nơi sản xuất và nhất là thị trường tiêu thụ mạnh. Ước tính, nếu bỏ ra chi phí 1,2 triệu đồng/6 tháng (một vụ) doanh thu ước đạt khoảng hơn 7 triệu đồng, lãi hơn 6 triệu đồng (35.000 đồng/ngày). Một hộ gia đình bốn nhân khẩu với thu nhập từ ruộng lúa và nấu đường thốt nốt như trên thì đời sống bà con sẽ được cải thiện rất nhiều. Hiện nay tỉnh đã có định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, hình thành làng nghề sản xuất đường thốt nốt. Một số mô hình khác như: nuôi bò, nuôi cá trong vèo, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, hay buôn bán nhỏ… đều có thể cải thiện phần nào cuộc sống.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH), đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang còn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: dạy nghề, học nghề ngắn hạn cho thanh niên dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ tiền ăn học nghề ngắn hạn, hỗ trợ vay vốn thoát nghèo, v.v. Mỗi năm, có hàng nghìn thanh niên Khmer được tiếp cận công tác dạy nghề. Bên cạnh đó, An Giang đã đưa vào hoạt động Trường cao đẳng nghề dân tộc nội trú dành riêng cho đồng bào dân tộc Khmer tại Tri Tôn từ năm 2011, vì vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế là trong tầm tay.
Khai thác hiệu quả các nguồn lực
Từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đến các dự án viện trợ từ các tổ chức phi Chính phủ đã tạo mọi điều kiện phát triển sinh kế cho đồng bào Khmer nghèo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, chỉ tính riêng hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, diện tích đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Khmer lên hơn 19.330 ha (2.471 ha được cấp từ Chương trình dân tộc 134). Nếu so về bình quân đất trên đầu người thì diện tích của bà con cao gấp 1,5 lần bình quân cả tỉnh. Tuy nhiên, giá trị sử dụng lại thấp hơn nhiều, một số diện tích chỉ canh tác 1 vụ/năm. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ khi Tỉnh ủy An Giang có Nghị quyết 09, tỉnh đã chi cho hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn 3,738 tỷ đồng từ Chương trình 135 để thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất. Theo Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ, TB và XH An Giang cho biết, thực hiện Đề án 25 giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo ở địa phương theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2010, 100% số hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo trong tỉnh có đất ở, nhiều hộ không có đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, lao động trong độ tuổi đều được đào tạo nghề, có việc làm, thu nhập ổn định. Tỉnh An Giang còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác giúp đồng bào Khmer xóa đói, giảm nghèo. Mặt khác, địa phương cùng bà con đã biết chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, tiểu vùng kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hàng hóa nông sản. Tỉnh, huyện đưa cán bộ, kỹ sư nông nghiệp về đứng chân phụ trách địa bàn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế thí điểm để bà con học tập. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn thâm canh tăng vụ, cung cấp giống mới năng suất cao, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, trong đồng bào dân tộc Khmer An Giang xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào Khmer tăng từ 2,5 – 4,5 triệu đồng/năm (năm 2005) tăng lên khoảng 10 triệu đồng/năm.
Theo Sở LĐ, TB và XH tỉnh, các chính sách đầu tư đúng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer, giúp bà con tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu trong đời sống; đồng thời nâng cao mức hưởng thụ về kinh tế, văn hóa, tinh thần. Các nhu cầu thiết yếu về đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm chăm lo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao mức sống cho người dân trong vùng. Đi đôi với kết quả việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được duy trì ổn định; hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Phần lớn cán bộ cơ sở xã, khóm, ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang được đào tạo, tập huấn qua các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh; nhiều con em người dân tộc thiểu số được vào học ở các trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh, nhiều em được đưa đi đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề của Trung ương và tỉnh, thông qua chế độ cử tuyển đại học, dự bị đại học dân tộc… sẽ trở thành lực lượng lãnh đạo nòng cốt của địa phương.
Do đó, để tạo sinh kế cho hộ nghèo (nhất là bà con dân tộc Khmer nghèo) phát triển bền vững, theo Hội Nông dân tỉnh An Giang thì cần khai thác một cách có hiệu quả các nguồn lực sẵn có; giúp người dân thấy được nguyên nhân chính gây ra cái nghèo, giúp họ tránh đầu tư sai lầm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản tốt nguồn vốn. Song song đó, phải làm cho lãnh đạo các địa phương thấy được việc triển khai các dự án, chương trình chính là nhiệm vụ chính trị địa phương. Thành công hay thất bại của các mô hình sản xuất, thoát nghèo của bà con chính là trách nhiệm của chính quyền và đội ngũ cán bộ cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()