Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững
LSO-Những năm qua, công tác dân tộc được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm thực hiện. Việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống các hộ dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đối với vùng khó khăn có xuất phát điểm thấp, thì một số chính sách chưa đủ sức tạo đà cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo. Bởi vậy, tiếp tục tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh để giảm nghèo bền vững là việc làm cần thiết và có ý nghĩa chiến lược.
Người dân thôn Lân Cà, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn tham gia họp thôn |
Trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, trong đó có 7 dân tộc tương đối rõ nét về dân số, tiếng nói, văn hóa, tổ chức quần cư trong cộng đồng; đó là dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh, năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 21,02%, năm 2013 ước còn 18%. Trong đó có một vài dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, gấp 3 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh. Cụ thể, kết quả khảo sát có tổng số 5.709 hộ thuộc các dân tộc ít người là Dao, Mông, Sán Chay đang sinh sống tại 231 thôn của 49 xã thuộc 7 huyện, thì có 3.960 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Dao có 71%, dân tộc Mông có 69,1%, Sán Chay là 61%. Theo ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: tình trạng đói nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa bắt nguồn từ các nguyên nhân như: cơ sở hạ tầng thấp kém, việc đi lại, tiêu thụ sản phẩm khó khăn; thiếu vốn sản xuất, sử dụng vốn không có hiệu quả, thiếu đất hoặc đất xấu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, mang tính quảng canh, tự cung tự cấp… Để từng bước khắc phục hạn chế này đòi hỏi phải có tác động bên ngoài kết hợp sự nỗ lực vươn lên của họ.
Để tiếp tục thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, ngoài các chương trình dự án, chính sách đã và đang được Nhà nước đầu tư; vừa qua tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV đã chính thức thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2014- 2015. Qua đây, nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và ổn định; nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình có đủ các điều kiện: dân tộc thiểu số có dân số dưới 10% tổng dân số toàn tỉnh, là hộ nghèo trong danh sách hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có hộ khẩu thường trú tại các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/ 2007/QĐ-TTg, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Với thời gian thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015, mỗi hộ được hỗ trợ 1 lần/năm, định mức 1 triệu đồng/hộ/năm và hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật để phát triển sản xuất (cây giống, con giống, phân bón).
Mặt khác, để chính sách này triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao; các ngành chức năng, chính quyền địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh cần phối hợp đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn trình tự, thủ tục, phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh. Cần đảm bảo lập danh sách đúng đối tượng, có sự tham gia của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động ở địa bàn đồng bào được hưởng thụ chính sách và vận động bà con sử dụng cây, con giống, phân bón đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()