Tạo sân chơi khoa học cho học sinh
Việc tạo các sân chơi bổ ích sẽ giúp học sinh tăng khả năng tìm tòi, khám phá tri thức. |
Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục nói chung, sự tham gia của các nhà đầu tư tạo ra những sân chơi khoa học, những phương pháp tiếp cận kiến thức mới nói riêng đang từng bước góp phần tích cực giúp học sinh tìm tòi, khám phá, nâng cao khả năng nắm bắt kiến thức, nâng cao hiệu quả công tác dạy và học.
Phương pháp giáo dục trước đây là học đi đôi với hành, nhưng học với hành chưa có sáng tạo, trong khi đó sáng tạo là yếu tố có ý nghĩa quan trọng phát triển trí tuệ, khả năng của học sinh. Đáng chú ý, năng lực sáng tạo của học sinh cần được rèn luyện qua việc tăng cường tự học, đề cao tự học, tăng cường hoạt động nghiên cứu, tìm tòi. Vì vậy, việc tạo ra các sân chơi khoa học, tăng khả năng nhận thức, khám phá trong học tập của học sinh có ý nghĩa quan trọng. Theo GS, VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng GD và ĐT), hoạt động giáo dục, sân chơi khoa học ở các nước có từ khoảng giữa thế kỷ 18. Vì vậy, việc mở các sân chơi khoa học là điều hết sức cần thiết.
Thực tế những năm qua cho thấy, ngành GD và ĐT cũng đã tổ chức được một số sân chơi, tạo sự tìm tòi, khám phá cho học sinh như tổ chức thí điểm dạy học trên thực địa cho học sinh tự khái quát nội dung nhận thức bằng bản đồ tư duy ở Thái Bình, Hải Phòng; chương trình tham gia của các nhà đầu tư nghiên cứu tổ chức “Festival khám phá khoa học cùng Skycare” cho học sinh yêu khoa học – tự nhiên trên toàn quốc (dự kiến tổ chức cho học sinh xuất sắc tham dự Festival khoa học tại Anh )… tạo ra sự hứng thú học tập, ham học hỏi cho học sinh. Bên cạnh đó, việc phát triển khoa học, công nghệ, đưa máy chiếu, máy tính phục vụ giảng dạy kết hợp sự đổi mới phương pháp của mỗi thầy giáo, cô giáo cũng góp phần giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng và tăng tính tự lập, tìm tòi…
Theo GS, TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Có rất nhiều phương pháp khuyến khích các em học sinh giỏi như tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi, Ô-lim-pích quốc tế… ở nước ta có một hệ thống thi học sinh giỏi được tổ chức đều đặn, phát triển tương đối hoàn thiện. Qua mỗi kỳ thi phát hiện ra năng khiếu của các em và các em có năng khiếu cao cũng sẽ xuất hiện ở những kỳ thi cao hơn, từ đó thu hút các em vào các trường chuyên, trường năng khiếu và tập trung đầu tư, từ đó sẽ lựa chọn và sàng lọc những học sinh giỏi, có năng khiếu. Tuy nhiên, trong giáo dục còn bỏ qua các sân chơi khoa học rất bổ ích và yêu cầu khả năng sáng tạo, tiếp cận thế giới hiện thực của học sinh. Thực tế cho thấy, những cuộc thi là nơi phát hiện ra những tài năng khoa học mà về sau sẽ trở thành người tài cho đất nước. Bên cạnh đó, các sân chơi khoa học ở nhiều mức khác nhau, kể cả ở mức độ mang tính chất quần chúng, nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh. Ở trường, học sinh bộc lộ ý tưởng sáng tạo ít vì phải tuân theo nội dung chương trình cho nên phong trào chính là chỗ để tìm nhân tài. Để giới trẻ yêu thích khoa học, nhà trường cần thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức nhất định đồng thời phát hiện nhân tài thông qua các phong trào… Có một thực tế là nguồn kinh phí dành cho ngành giáo dục và đào tạo còn hạn chế, do vậy để tạo sân chơi khoa học cho học sinh cần có sự tham gia đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị và các thành phần trong xã hội.
Để thật sự huy động nguồn lực xã hội tham gia đổi mới phương pháp dạy học, phát hiện các nhân tài, kích thích sự tìm tòi, khám phá của học sinh, một số chuyên gia giáo dục cho rằng cần chấp nhận bảo đảm quyền lợi hợp lý cho những người đầu tư cho giáo dục có lợi nhuận nhưng không thể vượt cao hơn mức chấp nhận được. Việc đổi mới giáo dục không thể quan niệm đơn giản vì đây là vấn đề mang tính chuyên sâu cho nên cần được thực hiện trên nền tảng nguyên lý phương pháp giáo dục đã quy định. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư thật sự tâm huyết, chủ động tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, đưa ra những ý tưởng phù hợp thì Bộ GD và ĐT cần khuyến khích, giúp đỡ, kiểm định, tạo điều kiện để các ý tưởng sáng tạo có thể được triển khai. Theo GS, TSKH Đào Trọng Thi, cơ quan quản lý giáo dục cần chăm lo hơn việc xã hội tham gia đóng góp cho phát triển giáo dục. Bộ GD và ĐT cần nêu ra định hướng, nhu cầu cụ thể trong đổi mới phương pháp. Thực tế hiện nay chủ yếu là các tổ chức, cá nhân… tự làm nhưng có khi Bộ GD và ĐT lại cho rằng không phù hợp sẽ gây lãng phí lớn. Cơ quan quản lý giáo dục cần nêu ra yêu cầu để những người có tâm huyết cho giáo dục theo dõi và có những đóng góp thì mới hiệu quả. Bộ cần cụ thể hóa chính sách nhà nước thành cơ chế để các lực lượng xã hội đóng góp cho giáo dục. Cần tránh tình trạng tự phát, khẩu hiệu chung chung, không có hướng dẫn, định hướng, gây lãng phí không chỉ của nhà đầu tư mà là phí phạm nguồn lực xã hội.
Ý kiến ()