Tạo niềm tin từ tính minh bạch
Vào trang thcsdongtan.edu.vn của Trường THCS Đồng Tân (Hữu Lũng) chúng tôi thấy đăng rất đầy đủ các loại tài liệu về các hoạt động của nhà trường, từ hoạt động chuyên môn, cam kết chất lượng đến thu chi tài chính và các hoạt động khác. Thầy giáo Vũ Mạnh Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ba nội dung công khai chính là: công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính đã được nhà trường công bố rộng rãi bằng 3 hình thức: trang thông tin điện tử của nhà trường, niêm yết tại bảng tin và phổ biến trong hội nghị cha mẹ học sinh và gộp cả hai hình thức trên đối với thu chi học phí và các khoản thu khác.
Niêm yết công khai tại Trường THCS thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc
Tại khu vực thành phố Lạng Sơn, khi tất cả các nhà trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử, thì vấn đề công khai, minh bạch càng được mở rộng. Ông Trần Văn Ngôn ở phường Tam Thanh cho biết, mỗi tuần ông vào trang thông tin của Trường THCS Tam Thanh một lần để biết tình hình hoạt động của nhà trường, nhất là tìm hiểu về chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, các khoản thu chi…Ông nói: “ Xem để biết hoạt động ra sao, thu chi thế nào…Đó cũng là cách để kiểm soát chuyện học hành của con em mình”.
Thầy giáo Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ năm 2010, ngành GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo công khai theo quy chế mà Bộ GD&ĐT ban hành, trước hết là công khai trên các bản tin, trong hội nghị cha mẹ học sinh; những năm sau, nhờ có công nghệ thông tin, các khoản cần công khai và các hoạt động của nhà trường đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử.
Tuyển sinh cấp học mầm non, các khoản đóng góp đầu năm, nhất là kênh xã hội hóa, chất lượng học sinh cuối năm… đó là những vấn đề luôn “nóng”, thu hút sự quan tâm của phụ huynh và xã hội. Những vấn đề này nếu không được công khai sẽ gây nhiều thắc mắc, nghi ngờ, giảm lòng tin của người dân vào nhà trường và ngành GD&ĐT.
Trong một xã hội thông tin và trình độ cao của người dân, ngoài việc họp quán triệt chỉ đạo của thành phố về tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và công bố công khai tại mỗi nhà trường để tăng cường tính thống nhất, công khai và minh bạch, việc họp, bàn bạc, thống nhất các khoản thu chi đầu năm học mới bao giờ cũng được ngành GD&ĐT thành phố tổ chức chu đáo. Trong hội nghị đó, các hiệu trưởng đề ra phương án thu chi của trường mình; trưởng phòng GD&ĐT quán triệt các văn bản quy định của bộ, của sở và của UBND thành phố, cuối cùng đi đến thống nhất có chữ ký của tất cả các thành viên dự họp. Văn bản hướng dẫn này được đăng tải rộng rãi trên trang thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT thành phố và của các nhà trường.
Các khoản đóng góp, nhất là đóng góp theo kênh xã hội hóa trong mua sắm, xây dựng bổ sung cơ sở vật chất luôn được bàn bạc kỹ lưỡng giữa nhà trường và ban đại diện phụ huynh, lập văn bản báo cáo cấp trên và chỉ được thực hiện khi cấp trên đồng ý. Sau thực hiện có báo cáo quyết toán rõ ràng từng hạng mục. Cách làm của ngành GD&ĐT thành phố đã góp phần tăng tính minh bạch các thông tin, chống tình trạng lạm thu và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng tại mỗi cơ sở giáo dục. Cách làm ấy đã và đang được nhân rộng trong toàn ngành.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ba nội dung công khai, 3 hình thức công khai đã và đang được thực hiện nghiêm túc trong ngành GD&ĐT. Tự tin để công khai minh bạch các vấn đề về giáo dục, mỗi cơ sở giáo dục đã truyền niềm tin ấy cho người dân và toàn xã hội. Dân chủ trong và ngoài nhà trường được thực hiện, có được sự tin tưởng, người dân và toàn xã hội sẽ hết lòng với giáo dục.
Ý kiến ()